26/04/2016 12:00
Hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay tại Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức các hoạt động với chủ đề “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng” vào ngày 7/4 tại Bộ Y tế nhằm mục đích nâng cao nhận thức của toàn xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống đái tháo đường, hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) năm nay tại Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức các hoạt động với chủ đề “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng” vào ngày 7/4 tại Bộ Y tế nhằm mục đích nâng cao nhận thức của toàn xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống đái tháo đường, hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Xét nghiệm đường máu thường xuyên là biện pháp hiệu quả để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm nay được tổ chức tại Bộ Y tế trong ngày 07/4/2016 sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Tổ chức Hội thảo để truyền thông vận động xã hội, cung cấp thông tin cho báo chí nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về gánh nặng bênh tật và các biện pháp phòng, chống đái tháo đường; Xét nghiệm đường máu nhanh và tư vấn về đái tháo đường cho các đại biểu tham dự Hội thảo; Tổ chức đồng diễn thể dục nhịp điệu để quảng bá, khuyến khích việc tăng cường hoạt động thể lực phòng chống bệnh đái tháo đường nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung.
Thực trạng bệnh đái tháo đường tại Việt Nam
Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Các nghiên cứu cho thấy, sau 10 năm từ năm 2002 đến 2012, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ 2,7% lên 5,4% và ước tính hiện tại Việt Nam có khoảng 3 triệu người bị đái tháo đường, đặc biệt trong số đó có tới trên 60% chưa được phát hiện bệnh. Gánh nặng tử vong và tàn phế do căn bệnh này cũng rất lớn. Đái tháo đường nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở cả hai giới, gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.
Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia. Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có ¼ uống ở mức nguy hại, khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây và có tới gần 30% thiếu hoạt động thể lực. Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh - chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.
Các biện pháp phòng chống
Để tăng cường phòng, chống bệnh không lây nhiễm, cùng với việc triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu y tế, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để kiểm soát sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Việc ban hành Chiến lược quốc gia đã thể hiện cam kết của Chính phủ, quyết tâm của Việt Nam trong cuộc chiến để đẩy lùi bệnh đái tháo đường nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung. Bộ Y tế cũng giao Cục Y tế dự phòng đầu mối để tổ chức thực hiện tốt Chiến lược quốc gia nêu trên trong đó có các giải pháp hiệu quả để dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Để dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường, về mặt chính sách cần tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường, trình Quốc hội phê chuẩn Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, ban hành các chính sách, hướng dẫn để tăng cường dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho người dân. Hệ thống y tế cần được củng cố, tiếp tục nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện, đồng thời chú trọng phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới bác sỹ gia đình để truyền thông vận động xã hội, thay đổi hành vi, phòng chống yếu tố nguy cơ, cung cấp các dịch vụ dự phòng, tư vấn đầy đủ cho người dân, đồng thời bảo đảm người nguy cơ cao, người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục và lâu dài tại cộng đồng.
Công tác dự phòng đóng vai trò rất quan trọng đặc biệt là trong phòng chống các yếu tố nguy cơ và phát hiện sớm bệnh. Bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các hành vi nguy cơ thì sẽ giúp chúng ta phòng tránh được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đái tháo đường týp II và trên 40% các bệnh ung thư. Mặt khác đái tháo đường là bệnh mạn tính và thường tiến triển một cách âm thầm, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng trầm trọng và việc điều trị sẽ rất tốn kém, trong khi việc phát hiện sớm rất đơn giản, ít tốn kém.
Phòng, chống bệnh đái tháo đường cũng như các bệnh không lây nhiễm thì chỉ riêng ngành y tế không thể làm được vì nó liên quan đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của các ngành và lĩnh vực khác, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng có vai trò thiết yếu. Hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới năm nay, Bộ Y tế đề nghị các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông, phóng viên các báo đài tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội để cùng nối vòng tay lớn đẩy lùi bệnh đái tháo đường nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác