19/05/2016 12:00
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng.
Kỳ cuối: Cần những giải pháp đồng bộ
Để y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho xã hội và hướng tới sự hài lòng của người dân, ngành Y tế tỉnh cần phải có những bước đột phá cả về chất và lượng...
Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng.
Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên cả nước đã có cán bộ y tế hoạt động song mới chỉ có 60% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020, 40% còn lại hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, tỷ lệ thôn, buôn có nhân viên y tế hoạt động chiếm tới 90%, nhưng tỷ lệ người được đào tạo theo quy định mới ở mức khoảng 69%; ngay cả các trung tâm y tế tuyến huyện, số lượng đơn vị thực hiện cả 2 chức năng khám chữa bệnh và dự phòng vẫn rất khiêm tốn. Hầu như các bệnh viện đa khoa huyện chỉ thực hiện chức năng khám chữa bệnh, công tác dự phòng thì thuộc về trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Sự phân chia này vô tình làm lãng phí nhân lực, kinh phí hoạt động, thiếu trang bị máy móc và quan trọng nhất là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến xã, phường, thị trấn bị thu hẹp. Những bất cập này đòi hỏi cần có những giải pháp tổng thể để cải thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống y tế tuyến cơ sở. Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện; thực hiện có hiệu quả Đề án 1816 về luân phiên, luân chuyển cán bộ y tế giúp tuyến dưới nâng cao trình độ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị hiện đại để tiếp nhận chuyển giao những kỹ thuật y tế chuyên sâu, công nghệ cao”.
|
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc khám bệnh cho người dân. |
Cùng với các giải pháp của địa phương, để giải quyết những hạn chế, bất cập của y tế cơ sở, Bộ Y tế đã đề ra mô hình “2 trong 1” - thống nhất mô hình trung tâm y tế quận, huyện do Sở Y tế quản lý thực hiện cả nhiệm vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng để sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế. Qua triển khai thí điểm ở một số địa phương, bước đầu mô hình “2 trong 1” đã phát huy được tính hiệu quả trong cải thiện chất lượng y tế cơ sở. Bởi, khi kết hợp Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm y tế huyện, công tác quản lý sẽ được bao quát cả về tình hình sức khỏe nhân dân và tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế tại tuyến cơ sở cũng được giải quyết khi một phòng xét nghiệm có thể vừa xét nghiệm cho bệnh nhân đến khám và điều trị, vừa xét nghiệm các vấn đề dự phòng như an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Ngoài ra, việc áp dụng mô hình “2 trong 1” còn giúp tiết kiệm được nguồn nhân lực quản lý vì chỉ cần một ban lãnh đạo và như vậy sẽ có thêm nhân lực cho các hoạt động chuyên môn của ngành. Những hiệu quả này sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình trên cả nước trong thời gian tới
Nâng cao y đức để tăng sự hài lòng của người bệnh
Để y tế cơ sở hoạt động ngày một hiệu quả hơn, việc “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” cũng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thực tế cho thấy, ở hầu hết các trạm y tế hoạt động khám chữa bệnh hiệu quả, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư còn có bác sĩ trực tiếp khám với thái độ nhiệt tình, vui vẻ, gần gũi. Ghi nhận tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) cho thấy, mặc dù xã nằm cạnh trung tâm huyện, nhưng từ khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (1-1-2016), lượng bệnh nhân đến khám tại trạm không giảm so với trước, thậm chí còn thu hút thêm một lượng bệnh nhân ở các địa bàn lân cận. Bác sĩ Nguyễn Thị Trinh, Trạm trưởng lý giải: “Thiết bị, thuốc men ở tuyến trên đầy đủ hơn nên khi thông tuyến khó tránh khỏi trường hợp người bệnh lên thẳng bệnh viện khám chữa bệnh thay vì đến trạm y tế địa phương. Thế nhưng, ở trạm chúng tôi, người bệnh vẫn tin tưởng chọn là nơi khám chữa bệnh ban đầu, một nguyên nhân quan trọng có lẽ là do sự thân thiện, cởi mở của cán bộ, nhân viên tại trạm. Ngoài mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân thì chúng tôi xem bệnh nhân như người nhà, chia sẻ, tư vấn, điều trị nhiệt tình. Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo niềm tin cho bệnh nhân, chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, trọng tâm là nâng cao y đức, thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử với người bệnh”. Cũng có chung quan điểm này, thạc sĩ Phạm Thành Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc cho rằng, ngoài việc đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn vững, bảo đảm nguồn thuốc thì thái độ, giao tiếp ứng xử, chăm sóc người bệnh của cán bộ, nhân viên các trạm y tế xã là yếu tố then chốt để giữ chân người bệnh.
Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Thời gian tới, ngành tập trung đẩy mạnh việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ; tổ chức thường xuyên các phong trào thi đua trong toàn ngành gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Quy tắc ứng xử của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế cải thiện cách giao tiếp ứng xử với người bệnh và người nhà bệnh nhân; nâng cao kỹ năng giáo dục sức khỏe và chăm sóc bệnh nhân cho điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên... Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, khoa phòng với việc để xảy ra thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực tại đơn vị; hằng tháng tổ chức đánh giá sự hài lòng của người bệnh theo từng khoa phòng, nắm bắt các nội dung bệnh nhân phản ánh để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục; tổ chức tốt việc bố trí thùng thư góp ý và điện thoại đường dây nóng tại tất cả các đơn vị...”
“Ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện; thực hiện có hiệu quả Đề án 1816 về luân phiên, luân chuyển cán bộ y tế giúp tuyến dưới nâng cao trình độ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị hiện đại để tiếp nhận chuyển giao những kỹ thuật y tế chuyên sâu, công nghệ cao” - Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cho biết. |
Theo Kim Hồng
http://baodaklak.vn/
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác