22/03/2017 12:00
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây chết người, bệnh do virus Dengue (đen gơ) gây ra, bệnh lây truyền từ người bệnh qua người lành qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (có tên khoa học là Aedes Aegypti).
Muỗi vằn có đặc điểm là ở bụng và chân có những đốm trắng, chích hút máu người cả ngày nhiều nhất vào sáng sớm và chiều tối.
I. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết:
- Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày.
- Xuất huyết: Xuất huyết có sau sốt vài ngày, biểu hiện bằng các hình thức xuất huyết dưới da như trên bề mặt da có những chấm, nốt, mảng, cục đỏ; ấn không mất hoặc xuất huyết tự nhiên như chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra phân đen v.v..
- Khám có gan to, xét nghiệm máu có Hematocrit tăng, tiểu cầu giảm;
- Tiền sử sống ở vùng Sốt xuất huyết lưu hành hoặc có tiếp xúc nguồn bệnh.
II. Triệu chứng sốc
- Tùy mức độ của bệnh, bệnh nhân có thể có Sốc hay không, nếu không được xử lý kịp thời bệnh nhân có thể trụy tim mạch không hồi phục dẫn đến tử vong.
Trước khi bị sốc, trẻ có các dấu hiệu báo trước như:
- Vật vã, bứt rứt hoặc mê sảng
- Đau bụng, tay chân lạnh và vã mồ hôi.
- Da đổi sắc, nổi vân tím, môi tím tái. Tiểu ít hơn bình thường.
Khi thấy các đấu hiệu báo trước này, cần đem trẻ tới ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
III. Phòng bệnh sốt xuất huyết:
Sốt xuất huyết hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp chủ yếu vẫn là phòng chống muỗn đốt, xử lý tốt nguồn bệnh tránh lây lan.
1. Diệt bọ gậy lăng quăng là cách phòng Sốt xuất huyết dễ làm, rẻ tiền, ít độc hại, chúng ta cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
- Thường xuyên tổ chức chiến dịch Vệ sinh môi trường thu gom các loại vật dụng phế thải có khả năng ứ đọng nước (vỏ đồ hộp, mảnh sành, vỏ xe, máng xối nước có nước đọng lá cây ẩm, bình cắm hoa v.v..) loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy, lăng quăng. Phát quang cây cỏ rậm rạp chung quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ để tránh muỗi có nơi trú ẩn.
- Các vật chứa nước sinh hoạt hàng ngày như lu, khạp, bể chứa nước cần đậy nắp kín hoặc được cọ rửa tuần/1 lần để diệt trứng muỗi và lăng quăng. Có thể thả cá bảy màu để diệt lăng quăng, đối với chén nước ở các chân tủ đựng thức ăn phải cho ít muối, dầu hỏa vào để diệt trứng muỗi và lăng quăng.
2. Chống muỗi đốt:
- Ngủ trong mùng (màn) kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt
- Diệt muỗi và tránh muỗi chích bằng cách sử dụng nhang diệt muỗi, vợt điện bắt muỗi hoặc bôi kem chống muỗi v.v..
3. Xử lý tốt ca bệnh
- Phát hiện và điều trị kịp thời các ca bệnh, hạn chế các biến chứng.
Vì sức khỏe gia đình, bản thân và của cả cộng đồng, chúng ta cùng thực hiện tốt khẩu hiệu:
KHÔNG CÓ LĂNG QUĂNG KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT
PHÒNG TT GDSK TTYT HUYỆN KRÔNG ANA
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác