Đẩy mạnh truyền thông để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới khi sinh
(Ảnh: V.T). Cơ hội và thách thức
3 cơ hội cần được khai thác 1 Phương tiện thông tin truyền thông rất phong phú, đa dạng, cần tranh thủ để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Cần gắn kết việc tuyên truyền với giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong nhà trường. 2 Việt Nam đã đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu của các nước trong việc thực hiện chính sách dân số, sức khỏe sinh sản. Việc điều chỉnh tốc độ phát triển dân số và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh liên quan rất nhiều đến yếu tố văn hóa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đồng thời thực hiện những chế tài đối với các vi phạm về lựa chọn giới tính trước sinh. Trong triển khai thực tế, cần tận dụng kinh nghiệm và công nghệ, song cần tránh những sai lầm của các quốc gia đã trải qua. 3 Phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ, khả năng tổ chức dịch vụ y tế (về kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em) ngày càng phong phú, đa dạng. (Theo Thông báo 05/TB-VPCP) |
Đúng 1 tháng sau khi Thủ tướng ký, ban hành Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược DS và SKSS giai đoạn 2011 - 2020, ngày 14/12/2011 ngành DS-KHHGĐ đã nhanh chóng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược trên toàn quốc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Việc triển khai Chiến lược tới 63 tỉnh, thành phố vào thời điểm đó đã có một ý nghĩa rất quan trọng: Nhằm thực hiện công tác DS và SKSS một cách đồng bộ, hiệu quả, phù hợp trong bối cảnh công tác này đang đứng trước thời cơ mới cũng như nhiều thách thức mới.
Trong Thông báo 05/TB-VPCP ngày 4/1/2012 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã chỉ rõ công tác DS và SKSS hiện nay có 3 thách thức cần tập trung giải quyết.
Thách thức thứ nhất là chất lượng dân số của ta còn hạn chế. Tỷ lệ bệnh, tật bẩm sinh và tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các vùng miền.
Thách thức thứ hai là mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh tại nhiều địa phương đã diễn ra trong 5 năm gần đây và có xu hướng vẫn tiếp tục tăng trong 10 năm tới. Hiện nay, có 10 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao ở mức 115/100. Nếu không thực hiện các giải pháp quyết liệt thì khó có thể đưa tỷ số này trở lại mức tự nhiên (105 - 106/100) sau năm 2020.
Thách thức thứ ba được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh là có sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các địa phương. Tại nhiều địa phương có mức sống thấp thì mức sinh còn cao; còn tại các địa phương có mức sống cao thì mức sinh lại xuống thấp hơn mức sinh thay thế.
Trước những thách thức trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra 3 cơ hội cần tranh thủ khai thác nhằm triển khai Chiến lược một cách hiệu quả nhất.
Đó là tranh thủ để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin truyền thông; Việt Nam đã đúc rút được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu của các nước trong việc thực hiện chính sách DS và SKSS; Phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ, khả năng tổ chức dịch vụ y tế ở nước ta ngày càng phong phú, đa dạng.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược DS và SKSS giai đoạn 2011 - 2020 cần tập trung khắc phục 3 thách thức và khai thác 3 cơ hội, đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về DS&SKSS đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cơ cấu "dân số vàng" đang là một lợi thế của Việt Nam, cung cấp nguồn lao động dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, cần phát huy lợi thế, tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý để kéo dài giai đoạn cơ cấu "dân số vàng".
|
Công tác Dân số-KHHGĐ cần sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể
(Ảnh: V.T)
Củng cố, kiện toàn bộ máy
Ngay sau Hội nghị trực tuyến, Tổng cục DS-KHHGĐ đã nhanh chóng bắt tay triển khai các nội dung mà Phó Thủ tướng đã chỉ đạo.
TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2011 - 2015 để thực hiện Chiến lược; hướng dẫn các địa phương trong việc kiểm soát dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh. Xây dựng Chương trình truyền thông chuyển đổi hành vi DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015; xác định rõ mục tiêu và đối tượng đích cần truyền thông, có chỉ báo kiểm soát tác động của truyền thông. Tổng cục DS-KHHGĐ đã làm việc với Bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan như: tiến tới ký kết các văn bản liên tịch trong việc phối hợp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về DS và SKSS.
TS Dương Quốc Trọng cho biết thêm, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tổng cục DS-KHHGĐ bắt tay vào việc phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chính sách duy trì mức sinh hợp lý đối với các tỉnh có mức sinh dưới 2 con để chủ động tránh tình trạng mức sinh giảm xuống quá thấp.
"Chiến lược DS và SKSS giai đoạn 2011 - 2020 là một nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người. Do đó, công tác DS và SKSS giai đoạn này tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề như: Tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng", chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh" - TS Trọng nói.
Theo TS Dương Quốc Trọng để thực hiện tốt Chiến lược giai đoạn này, ngành y tế - dân số cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn còn tồn tại, kiện toàn và ổn định tổ chức bộ máy của ngành cho phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, rất cần sự nỗ lực, tham gia của cả hệ thống chính trị; sự chủ động và đồng bộ trong quản lý; tổ chức tốt việc giám sát...
Tại Hội nghị triển khai Chiến lược DS và SKSS giai đoạn 2011 - 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: Trong thắng lợi về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua của đất nước là nhờ sự chú trọng phát triển nguồn nhân lực; trong đó có sự đóng góp của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác DS-KHHGĐ. Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng làm cho tốc độ tăng dân số nước ta ở mức hợp lý, kiểm soát được; sức khỏe của bà mẹ, trẻ em và ý thức về việc phải đảm bảo được sự phát triển dân số cân bằng về giới tính đã ngày càng được nâng cao. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, trong thời gian tới phát huy lợi thế nhân lực là một việc hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó công tác DS-KHHGĐ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Phương tiện thông tin truyền thông rất phong phú, đa dạng, cần tranh thủ để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Cần gắn kết việc tuyên truyền với giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản trong nhà trường. |