Nếu mức sinh tiếp tục giảm, số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già.
Ông Lê Thanh Dũng cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ giảm sinh chưa đến mức báo động, nhưng nếu không can thiệp ngay, tỷ lệ giảm sinh sẽ ngày càng mạnh, sẽ đến lúc báo động.
Đề cập đến hệ lụy của mức sinh thấp, PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cảnh báo, khi mức sinh đã giảm thấp thì rất khó quay trở lại mức thay thế. Theo đó, trong giai đoạn 2000 - 2015, thế giới có 32 quốc gia có tổng tỉ suất sinh (TFR) gia tăng nhẹ khi đang ở dưới mức thay thế, nhưng không trường hợp nào quay trở về mức thay thế hoặc cao hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, qua các nghiên cứu và khảo sát cho thấy, mong muốn có 2 con đang phổ biến trong xã hội nhưng không bền vững bởi các yếu tố cản trở sinh đẻ đang dần chiếm ưu thế trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thể hiện rõ nhất ở những vùng, tỉnh/thành có mức sinh thấp.
Chi phí và mất mát cho sinh đẻ và nuôi dạy đủ 2 con dần gia tăng vượt quá khả năng của nhiều gia đình trong bối cảnh nhu cầu nâng cao mức sống cũng như giá trị cá nhân ngày càng được chú trọng.
"Không ít gia đình muốn có 2 con nhưng không có ý định sinh đủ 2 con hoặc không thể hiện thực hóa được mong muốn đó. Như vậy, khó có thể coi mức sinh thay thế ở Việt Nam đã được duy trì vững chắc. Bên cạnh đó, kết hôn muộn hay vô sinh hiếm muộn cũng đang là những yếu tố cản trở đáng kể việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Đức Vinh cho hay.
Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân sinh đủ 2 con
Theo Viện trưởng Viện Xã hội học, nếu không có chính sách khuyến sinh kịp thời và phù hợp, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn mức sinh sẽ giảm sâu dưới mức thay thế và quy mô gia đình dưới 2 con sẽ trở nên phổ biến, chuẩn mực gia đình 2 con sẽ dần thay thế bằng mô hình gia đình 1 con hoặc không con.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia đi trước cho thấy, những chính sách can thiệp để nâng mức sinh lên sẽ cần nhiều nguồn lực, nhưng rất khó đem lại hiệu quả.
Chiến lược cơ bản để duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở Việt Nam là đưa mức sinh các nhóm dân số (hay tỉnh/thành) tiệm cận mức thay thế, đưa quy mô gia đình 2 con trở thành chuẩn mực phổ biến toàn xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa để người dân hiện thực hóa mong muốn có đủ 2 con.
Để làm được điều này, theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, cần đẩy mạnh truyền thông vận động về quy mô gia đình 2 con đến mọi địa bàn và nhóm xã hội, cả ở nơi đang có mức sinh cao, mức sinh thấp hay mức sinh thay thế. Mọi công dân đều nên hiểu rõ chính sách sinh đẻ của nhà nước với khẩu hiệu "mỗi gia đình nên có 2 con". Công tác truyền thông, giáo dục cũng cần chú trọng củng cố và phát huy những giá trị gia đình phù hợp với xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng giảm tử vong trẻ em, nâng cao bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng nhu cầu tránh thai không được đáp ứng cũng như có thai và sinh con ngoài ý muốn, nhất là ở những nơi có mức sinh còn cao; tạo môi trường thân thiện và thuận lợi cho kết hôn, sinh đẻ và nuôi dạy con cái phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là ở những nơi có mức sinh thấp.
Ở những nơi có mức sinh thấp, các chính sách phúc lợi xã hội hỗ trợ chỉ một phần chi phí cho người sinh đẻ và nuôi con nhỏ mang tính khuyến khích cũng sẽ có hiệu quả nhất định khi mà đa số người dân vẫn muốn có 2 con.
Và đặc biệt, theo Viện trưởng Viện Xã hội học, mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế và các quan điểm, giải pháp cơ bản cần được thể chế hóa và đưa vào văn bản quy phạm pháp luật (như Luật Dân số) và lồng ghép vào các chiến lược, chương trình của chính phủ và các ban ngành.