10/09/2024 02:40
Việt Nam đang phải đối mặt với mức sinh trên toàn quốc có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh, suy giảm quy mô dân số... tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Mức sinh thấp chủ yếu tập trung ở các đô thị
Theo Báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình 1 con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990. Hơn một nửa các quốc gia và khu vực trên toàn cầu có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế-mức cần thiết để duy trì quy mô không đổi trong thời gian dài mà không cần di cư-(dưới 2,1 con/phụ nữ).
Mức sinh thấp kéo dài tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển dân số bền vững. Hiện trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tuy nhiên, việc nâng mức sinh tại các quốc gia có mức sinh rất thấp hầu như chưa mang lại kết quả khả quan.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) thông tin, mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ năm 2022, năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
|
Cần có chính sách phù hợp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế. |
Hiện nay, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao, hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp. Cùng với đó, mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7-1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (năm 1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (năm 2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (năm 2023).
Nhận định về tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn của người Việt Nam, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó cục trưởng Cục Dân số đã đưa ra dẫn chứng: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (năm 2019); đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi.
Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn. Theo Phó cục trưởng Cục Dân số, mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con. Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ cơ sở có nhiều bất cập đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, học vấn, điều kiện sống ngày càng được cải thiện khiến nhiều người có tâm lý thích hưởng thụ mà không muốn sinh con.
Cần có những chính sách để phát triển dân số
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể ứng phó, ngăn chặn xu hướng giảm mức sinh nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.
Từ những kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Phân tích những giải pháp đồng bộ về phát triển bền vững các vấn đề xung quanh công tác dân số, GS, TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ cảnh báo, nếu Việt Nam không có đột phá về chính sách kinh tế-xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu.
Liên quan đến việc xây dựng các chính sách chiến lược trong thời gian tới, GS, TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh đủ 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Vì vậy, cần có các chính sách phù hợp chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Bên cạnh đó là các yếu tố khác như thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
AN AN
Nguồn: https://www.qdnd.vn
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác