Tâm lý e ngại
Bốn tháng trước ngày cưới, chị H.T.M (24 tuổi, ở Hà Nội) đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và bất ngờ phát hiện buồng trứng suy kiệt, nguy cơ mãn kinh sớm, khó có con. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho thấy, AMH (hormone thiết yếu phản ánh chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản của phụ nữ) của chị H chỉ còn 0,6ng/mL. Trong khi, chỉ số AMH bình thường ở phụ nữ dưới 38 tuổi là khoảng từ 2,2 đến 6,8ng/mL. Ngoài ra, siêu âm buồng trứng trái của chị H có 4 nang trứng, bên còn lại 2 nang trứng. Ở phụ nữ cùng độ tuổi, số lượng nang trứng ít nhất là 10. “Nhờ khám sức khỏe trước hôn nhân nên tôi có giải pháp điều trị sớm, tránh nguy cơ phải xin trứng để có con”, chị M chia sẻ.
Trường hợp điển hình nêu trên cho thấy, lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất lớn, nhưng trên thực tế, người dân còn chưa mặn mà. Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại các thành phố lớn, có nhiều gói dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân nhưng lượng người khám còn ít. “Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mỗi năm, số phụ nữ đến khám tiền hôn nhân chỉ chiếm khoảng 2% tổng số bệnh nhân khám sản, phụ khoa”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi thông tin.
Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 22.000-30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, trong đó phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Theo báo cáo của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị tan máu bẩm sinh và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Nếu không có chẩn đoán dự phòng tiền hôn nhân và tiền sinh sản, các cặp vợ chồng cùng mang gen bệnh có thể sinh ra em bé bị nhiễm bệnh.
Những con số nêu trên một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khám sức khỏe trước hôn nhân. Dù vậy, nhiều thanh niên chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Đơn cử như trường hợp của chị N.T.P (26 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội) có kế hoạch kết hôn vào đầu năm 2024. Trước đó, chị đã đề cập đến vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân với bạn đời thì nhận được câu trả lời là không cần thiết vì sức khỏe của cả hai vẫn tốt.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), nguyên nhân khiến giới trẻ chưa chủ động đi khám sức khỏe trước hôn nhân là do còn e ngại. Thậm chí, nhiều người chủ quan cho rằng, mình không có bệnh nên không cần đi khám. Một số khác lại lo sợ nếu phát hiện ra bệnh, có thể là những bệnh mang tính chất di truyền thì không thể kết hôn. Thực tế cho thấy, không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản, như: Hiếm muộn, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
PGS, TS Trần Danh Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho rằng, khám sức khỏe tiền hôn nhân rất cần thiết. Thế nhưng, hiện nay, nhiều bạn trẻ nếu có đi khám tiền hôn nhân cũng chỉ quan tâm đến việc mình sẽ sinh con thế nào chứ không phải để phát hiện có mang bệnh hay mang gen bệnh hay không.
Đưa ra hướng dẫn khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga lưu ý, các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3-6 tháng. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, bao gồm khám sức khỏe tổng thể, khám sức khỏe sinh sản sẽ giúp phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như viêm gan B hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục... Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ cũng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Đưa tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%
Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, ngành dân số cần tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức ở người dân. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyên môn, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tới cộng đồng; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới trong trong tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh để bổ sung danh mục bệnh tầm soát trước khi kết hôn.
Theo dự thảo Luật Dân số đang xin ý kiến, nam nữ trước khi kết hôn và người muốn sinh con sẽ được tư vấn, khám sức khỏe, hướng dẫn phòng ngừa và phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến sinh sản. Người thuộc diện chính sách, vùng khó khăn được hỗ trợ chi phí khám. Các trường hợp bắt buộc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh gồm: Người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; người có nguy cơ cao sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh (như phụ nữ từ 35 tuổi); phụ nữ tiền sử có con bị bệnh, tật bẩm sinh, có tiền sử gia đình người mẹ hoặc chồng đã xác định bị bệnh, tật bẩm sinh; vợ chồng cận huyết thống; người có tiền sử tiếp xúc với các hóa chất độc hại, sử dụng thuốc độc hại cho thai nhi hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giảm được tỷ lệ vô sinh, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu; phát hiện sớm các bệnh di truyền, bệnh truyền nhiễm; tạo điều kiện cho việc mang thai và sinh con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số; góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Phòng ngừa từ sớm, tránh sinh ra con bị dị tật sẽ giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước, gia đình và xã hội trong điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Chính phủ đang dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 2026.