03/04/2024 03:36
Chiều ngày 02/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, tiến hành điều tra, giám sát ổ dịch tay-chân-miệng tại trường Mầm Non Hoa Lan, thuộc xã biên giới Ya Lốp huyện Ea Súp.
Qua điều tra, xác minh và khám các ca bệnh, ngành chức năng khẳng định đây là ổ dịch tay-chân-miệng. Ổ dịch xảy ra tại lớp trẻ 2, trường mầm non Hoa Lan, ở thôn Chiềng, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp. Ca bệnh đầu tiên là cháu H.P.V( SN 2021), lớp trẻ 2. Cháu V. phát bệnh vào ngày 31/3 với triệu chứng sốt, đau họng, chán ăn, loét miệng và có ban dạng phỏng nước ở tay, chân, đầu gối và mông. Sau đó, nhà trường phát hiện thêm 4 cháu có dấu hiệu bị bệnh tay chân miệng.
|
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, truy vết các ca bệnh tay-chân-miệng tại trường Mầm Non Hoa Lan, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Bà Vi Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp cho biết, toàn trường hiện có 09 nhóm lớp học với 156 học sinh, 29 cán bộ giáo viên. Những cháu đã ghi nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh đều được nhà trường cho nghỉ học và yêu cầu phụ huynh đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. Hiện nay, nhà trường đang tập trung vệ sinh, khử trùng dụng cụ học tập và đồ chơi của trẻ; tổ chức khám, theo dõi sức khỏe các trẻ nhiễm bệnh này. Tại mỗi lớp học đều được giáo viên chủ nhiệm vệ sinh lớp học, hướng dẫn cho các cháu vệ sinh cá nhân sạch sẽ nhằm không để dịch bệnh tay-chân-miệng lây lan ra cộng đồng.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, hướng dẫn Trạm Y tế xã Ya Lốp, phối hợp với nhà trường thực hiện điều tra dịch tễ các ca bệnh; phun hóa chất tiêu độc khử trùng và vệ sinh lớp học, đồ chơi của trẻ. Khám sàng lọc, phân loại ca bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị; hướng dẫn cách ly, theo dõi điều trị các trường hợp mắc bệnh tại nhà; giám sát, báo cáo tình hình các ca bệnh và diễn biến của ổ dịch bệnh; tuyên truyền hướng dẫn cách phòng bệnh và điều trị cho học sinh. Thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, khử khuẩn các lớp học, đồ chơi, đồ dùng học tập và môi trường xung quanh trường. Bên cạnh đó, chỉ đạo Y tế thôn thực hiện tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và hướng dẫn điều trị bệnh tại cộng đồng...
|
Đến chiều 02/4, ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non Hoa Lan, xã Ya Lốp đã ghi nhận 4 ca dương tính và 5 ca nghi ngờ với các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. (ảnh: Bảo Trọng)
|
Bác sĩ Dương Văn Hải, Phó Phụ trách Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, tính đến chiều 02/4, ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non Hoa Lan, xã Ya Lốp đã ghi nhận 9 trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng. Trong đó, đã có 4 ca dương tính và 5 ca nghi ngờ với các dấu hiệu của bệnh. Hiện nay, công tác khoanh vùng, dập dịch và hướng dẫn phòng bệnh đang được Trung tâm Y tế huyện Ea Súp gấp rút triển khai nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát ổ dịch.
" Trung tâm Y tế huyện đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý tốt ổ dịch. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền tại các điểm trường và trong cộng đồng để hạn chế phát sinh ca bệnh mới", Bác sĩ Hải nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tình hình bệnh tay chân miệng ở trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm nhất là xuất hiện những ổ dịch trong trường học mầm non. Do đó, các trường cần hướng dẫn cho học sinh rửa tay trước, sau bữa ăn và sau khi chơi; sát trùng kỹ dụng cụ đồ chơi của trẻ. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, giáo dục và các bậc phụ huynh để có giải pháp xử lý hữu hiệu, tránh nguy cơ mắc bệnh và lây lan. Gia đình có trẻ mắc bệnh thì phải báo ngay cho các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khử trùng, vệ sinh lớp học đề phòng dịch bệnh lây lan cho học sinh khác. Trẻ bị nhiễm cần phải cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày. Có thể phòng ngừa bệnh bằng cách vệ sinh nơi ở, rửa tay dưới vòi nước, rửa bằng xà phòng để virus trôi đi.
|
Giáo viên trường Mầm non Hoa Lan hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng.(ảnh: Bảo Trọng)
|
Để chủ động phòng chống bệnh tay-chân-miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1.Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5.Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Bảo Trọng
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác