17/04/2024 02:17
Sáng 17/4/2024, Sở Y tế Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh năm 2024. Tham dự và chủ trì Hội nghị có bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Nguyên Duy – Phó Giám đốc Sở Y tế, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn – Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cùng 12 Sở Ban ngành liên quan, 15 Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã về dự.
Theo báo cáo, năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 04 trường hợp mắc và tử vong do bệnh Dại, bằng số trường hợp mắc và tử vong so với cùng kỳ năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 04 trường hợp mắc và tử vong (tại huyện Krông Búk 01 trường hợp, Krông Pắc 03 trường hợp). Dự báo trong năm 2024 dịch bệnh có thể bùng phát và diễn biến phức tạp do thời tiết nắng nóng, người dân nuôi chó trong rẫy nhiều, chó mèo không được tiêm phòng đúng, đủ; sự chủ quan của người dân; Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, năm 2023, toàn tỉnh nghi nhận 2.240 trường hợp mắc và 04 trường hợp tử vong, số mắc tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh sốt xuất huyết, năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4970 trường hợp mắc, giảm 52,0% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra còn có các bệnh thủy đậu, cúm… cũng đã có số mắc rải rác ở các địa phương. Dự báo một số bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát và diễn biến phức tạp do một số nguyên nhân như: thời tiết thay đổi thất thường, trời nóng, ẩm, chuyển mùa, mưa nhiều là yếu tố thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển; Sự chủ quan của người dân; Sự chỉ đạo phối hợp giữa các ban ngành chưa hiệu quả, chưa quyết liệt…
|
Toàn cảnh Hội nghị. (ảnh: Đình Thi)
|
Tại Hội nghị, Sở Y tế cũng chỉ đạo, đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; Tiếp tục triển khai hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt các bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi..; Chủ động công tác giám sát ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; Thực hiện tốt công tác tiêm chủng; Khẩn trương lên kế hoạch, triển khai tiêm chủng cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng… Tổ chức tốt các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; Chủ động cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe và thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch.
|
Tiến sĩ Lê Văn Tuấn – Viện Phó Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát biểu tại Hội nghị. (ảnh: Đình Thi)
|
Cũng tại Hội nghị các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị mình và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác