29/11/2024 02:51
Ngày 28/11/2024, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì và sự tham gia của các đại biểu thuộc các Viện đầu ngành, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố, các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa phương tại các điểm cầu.
Tại Hội nghị, TS.BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng có bài báo cáo tình hình bệnh truyền nhiễm và tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch Sởi. Nhìn chung trong 11 tháng năm 2024, tình hình bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam diễn biến phức tạp, điển hình như bệnh Sốt xuất huyết Dengue đã có gần 126.000 trường hợp mắc và 20 ca tử vong, trong đó một số địa phương có số ca mắc cao như Hải Phòng (22.507), TP. Hồ Chí Minh (12.046), Đồng Nai (7.334), Hà Nội (7.000), Lâm Đồng (6.895), Đắk Lắk (6.768), Đắk Nông (5.202); Bệnh Tay chân miệng với gần 72.500 trường hợp mắc, chưa có ca tử vong; Cúm mùa ghi nhận 08 trường hợp tử vong trong tổng số 264.830 trường hợp mắc. Những bệnh có vắc xin phòng bệnh như Sởi đã ghi nhận gần 20.500 trường hợp nghi ngờ, trong đó 4.918 trường hợp dương tính và 05 trường hợp tử vong liên quan đến sởi như TP. Hồ Chí Minh (03), Bến Tre (01) và Bình Dương (01), so với cùng kỳ năm 2023 số trường hợp sởi dương tính cao gấp 111 lần, một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao như TP. Hồ Chí Minh (5.434 sốt phát ban nghi sởi/1.552 sởi dương tính), Đồng Nai (2.429/536), Nghệ An (677/372), Đắk Lắk (707/342), chủ yếu mắc bệnh trong độ tuổi 9-18 tháng (22,94%), 19 tháng tới <5 tuổi (25,37%); Bệnh Ho gà với 1.053 trường hợp, 01 tử vong; Bạch hầu với 11 trường hợp mắc và 02 ca tử vong. Những bệnh nguy hiểm, mới nổi và bệnh lây từ động vật sang người như bệnh Đậu mùa khỉ với 74 trường hợp mắc rải rác ở các địa phương, chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; bệnh Dại với 78 trường hợp tử vong tại 32 tỉnh, thành, một số tỉnh có số ca tử vong cao như Bình Thuận (09), Đắk Lắk (07), Nghệ An (06), Gia Lai (06); Cúm gia cầm độc lực cao như cúm A(H5N1) ghi nhận 02 trường hợp mắc, 01 tử vong và 01 trường hợp mắc cúm A(H9N2).
|
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
|
Về tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi, cả nước hiện đang có 31 tỉnh triển khai trong đó khu vực Tây Nguyên có 04 tỉnh; Đối tượng tiêm là trẻ em từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ, ưu tiên trẻ em 1-5 tuổi và nhân viên y tế tại các cơ sở y tế chưa được tiêm đủ vắc xin sởi; sử dụng vắc xin MR do POLYVAC sản xuất, đóng 10 liều/ lọ từ nguồn WHO viện trợ, đến nay đã tiêm được 81,4% đối tượng tại 30 tỉnh so với kế hoạch, riêng TP. Hồ Chí Minh sử dụng vắc xin từ nguồn ngân sách địa phương, kết quả tiêm đạt 100% đối tượng nguy cơ.
Để ứng phó với các loại bệnh truyền nhiễm diễn biến khó lường, tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã phổ biến các quy định, hướng dẫn mới trong lĩnh vực y tế dự phòng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe chia sẻ về tình hình dịch bệnh, thực trạng, những khó khăn, thách thức cũng như những bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, công tác thu dung điều trị, kết quả triển khai tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua từ một số tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cao Bằng, Lạng Sơn, khu vực Tây Nguyên…
Kết luận tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng mặc dù tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước vẫn được kiểm soát tốt tuy nhiên diễn biến khó lường và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác, đặc biệt thời gian tới với khí hậu mùa đông xuân rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, đề nghị UBND tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, huy động sự vào cuộc các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp cùng ngành y tế để triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch cũng như công tác tiêm chủng mở rộng, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, giám sát dựa vào sự kiện, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các ca bệnh nặng, tử vong, khẩn trương tiến hành xây dựng kế hoạch công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025.
Về phía Cục Y tế dự phòng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương chỉnh sửa Thông tư 10 hướng dẫn về công tác tiêm chủng (Bộ Y tế ban hành ngày 13/6/2024), vắc xin PCV phế cầu khuẩn bắt đầu bổ sung từ năm 2025 và vắc xin HPV triển khai từ năm 2026. Dự trù kinh phí mua vắc xin từ ngân sách nhà nước, không để hiện tượng chậm muộn trong việc cung cấp vắc xin khi triển khai tiêm chủng. Các Viện chuyên môn chủ động tổ chức các cuộc họp với các địa phương để hướng dẫn các địa phương xây dựng định mức kinh tế kĩ thuật, Vụ Kế hoạch - Tài chính cử cán bộ cùng tham gia. Đặc biệt Cục Y tế dự phòng khẩn trương hoàn thiện trình ban hành kế hoạch phòng chống dịch năm 2025 trước 20/12/2024, đi kèm các hướng dẫn, định hướng chuyên môn trong năm 2025 cho các địa phương.
Thanh Nga
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác