08/03/2025 02:31
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại và hiệu quả nhất hiện nay dành cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Theo thống kê, tỷ lệ vô sinh ở cả nam và nữ đang ngày càng tăng lên dẫn đến tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm cũng gia tăng. Tuy nhiên, đây là một kĩ thuật y khoa đòi hỏi nhiều công sức và kinh phí, vì vậy, khi thực hiện, mỗi cặp vợ chồng cần tìm hiểu kĩ và áp dụng những lời khuyên của bác sĩ để tăng tỷ lệ thành công.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao, khoảng 7,7%. Trong đó, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi đã từng có thai) cũng tăng từ 15-20% mỗi năm. Đáng lưu ý, có khoảng 50% cặp vợ chồng trong tỷ lệ vô sinh dưới 30 tuổi, độ tuổi thuận lợi để thụ thai theo nghiên cứu của y học. Theo bác sĩ Trần Xuân Trường, Phó Trưởng khoa Phụ sản (BVĐK Thiện Hạnh), tỷ lệ hiếm muộn ở nam và nữ tương đương nhau. Về nguyên nhân ở nữ giới, thường gặp nhất là viêm nhiễm đường sinh dục như viêm vùng chậu, tắc ống dẫn trứng; rối loạn phóng noãn, đặc biệt là hội chứng buồng trứng đa nang; các bệnh về tử cung như u xơ tử cung, polyp lòng tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Đối với nam giới, nguyên nhân gây hiếm muộn chủ yếu là về tinh trùng, tinh trùng ít về số lượng, yếu, dị dạng, ngoài ra còn có các bệnh lý như tiền sử bị quai bị, có thể gây suy tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh, ngoài ra còn do các nguyên nhân về môi trường, thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
.jpg)
|
Tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm tại BVĐK Thiện Hạnh. . (Ảnh: Đình Thi)
|
Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là kỹ thuật kết hợp tinh trùng của chồng với trứng của vợ trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi. Phôi sau đó được chuyển vào tử cung của người phụ nữ để bắt đầu quá trình mang thai. Bác sĩ Trần Xuân Trường cho biết có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của TTTON như: độ tuổi vợ chồng; chất lượng trứng, tinh trùng; vấn đề vô sinh hiếm muộn; chế độ ăn uống, sinh hoạt; tuân thủ điều trị; trình độ y, bác sĩ... Quy trình của một ca TTTON thường trải qua 7 bước, việc dùng thuốc sẽ xuyên suốt quá trình thực hiện, do vậy, tuân thủ điều trị theo phác đồ là yếu tố bắt buộc. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng giữ vai trò quan trọng góp phần tăng tỷ lệ thành công của TTTON. Lo lắng, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng cũng như chất lượng tinh trùng.
Vợ chồng chị N.T.P.H (43 tuổi) ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có một con gái năm nay 18 tuổi. Từ bấy đến nay, anh chị luôn nỗ lực để sinh thêm một bé, cũng đã đi nhiều nơi, áp dụng nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản nhưng mãi không thành công. Cho đến năm 2023, biết tin Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh thực hiện kĩ thuật TTTON, dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng chị P.H. quyết tâm tìm con một lần nữa. Chị P.H. cho biết những lần tìm con trước đó chị luôn lo lắng, áp lực nhưng lần này chị cố giữ tâm lý thoải mái và luôn đặt niềm tin rằng mình sẽ có con. Kết quả, sau lần chuyển phôi thứ 3, chị P.H. đã đậu thai.
.jpg)
|
Cán bộ y tế làm việc trong phòng thí nghiệm, đơn vị IVF. . (Ảnh: Đình Thi)
|
Theo các bác sĩ chuyên khoa, trong quá trình làm TTTON, vợ chồng nên thường xuyên động viên lẫn nhau, đặc biệt là sự chăm sóc, quan tâm của người chồng đối với vợ, tạo tâm lý thoải mái nhất có thể cho người phụ nữ vì họ sẽ là người vất vả hơn cả khi thực hiện TTTON.
Trên thực tế, sau khi chuyển phôi, hầu hết mọi người cho rằng nên nằm một chỗ, hạn chế tối đa vận động để phôi thai làm tổ chắc chắn nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa quan niệm này là không đúng. “Hầu hết những người sau khi chuyển phôi đều có quan điểm là nằm một chỗ vì sợ rớt phôi nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy nếu sau chuyển phôi mà nằm tại chỗ sẽ làm giảm tỷ lệ có thai. Sau khi chuyển phôi, người phụ nữ chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà 1 – 2 ngày đầu, sau đó nên vận động nhẹ nhàng, đi lại ăn uống như người bình thường, tránh hoạt động nặng cũng như tác động vào tử cung”, bác sĩ Trần Xuân Trường nói.
Bên cạnh đó, cần chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình thực hiện TTTON. Các cặp vợ chồng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống đủ nước, tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
Hiện nay ở nước ta, bảo hiểm y tế chưa thực hiện chi trả bất cứ một kỹ thuật nào trong quy trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, kể cả TTTON, do đó, chi phí cho việc thực hiện kỹ thuật này khá lớn, khoảng 70-90 triệu đồng (nếu thuận lợi ở lần chuyển phôi đầu tiên), trong khi tỷ lệ thành công chỉ khoảng 40-60%. Có nhiều cặp vợ chồng phải mất gần 10 lần chuyển phôi mới đậu thai. Do vậy, việc áp dụng các biện pháp dự phòng vô sinh, hiếm muộn là vô cùng quan trọng đối với cả nam giới và nữ giới trong độ tuổi sinh sản, như: Khám sức khỏe sinh sản định kì để kịp thời điều trị những vấn đề bất thường nếu có; quan hệ tình dục an toàn để phòng tránh những bệnh lây qua đường tình dục, có thể dẫn đến viêm nhiễm vùng chậu, ứ dịch vòi trứng, tắc vòi trứng, đây là những bệnh hay gặp ở nữ giới hiện tại; có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, khoa học, hạn chế chất kích thích; có kế hoạch mang thai phù hợp, trước 35 tuổi, vì sau độ tuổi này, cả số lượng và chất lượng trứng đều giảm, do vậy tỷ lệ mang thai giảm xuống mà nếu có thai thì tỷ lệ bào thai bất thường lại tăng lên. Phụ nữ muốn trì hoãn việc mang thai có thể áp dụng phương pháp trữ trứng ở độ tuổi còn trẻ để đảm bảo chất lượng trứng tốt nhất, thuận lợi cho quá trình làm TTTON sau này.
Thu Huế
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác