22/04/2025 08:18
Việt Nam đã và đang đối mặt với mối đe dọa thường trực từ bệnh dại, căn bệnh có tỷ lệ tử vong gần như tuyệt đối khi phát tác.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới ghi nhận khoảng 59.000 ca tử vong do bệnh dại và để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của bệnh dại từ động vật sang người, tỷ lệ tiêm phòng cho chó và mèo tại các khu vực có nguy cơ cần đạt tối thiểu 70%. Đây là một con số mang tính quyết định, tạo ra miễn dịch cộng đồng vững chắc, bảo vệ không chỉ vật nuôi mà còn cả sức khỏe của con người.
Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm nước ta vẫn ghi nhận từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đặc biệt, năm 2024 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể với 80 ca tử vong, cao hơn 10 ca so với năm trước. Điều này cho thấy, nguy cơ từ bệnh dại vẫn luôn tiềm ẩn và đòi hỏi những nỗ lực quyết liệt, đồng bộ từ các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng.
Tiêm phòng dại là 'lá chắn' sống còn giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, hưởng ứng mục tiêu "Không còn ai chết vì bệnh dại vào năm 2030" của Chính phủ, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang triển khai các chương trình tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận là chương trình "Tiêm phòng dại vì cộng đồng" đang được thực hiện tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Sáng kiến này bắt đầu từ năm 2021, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Trong đợt triển khai năm 2025 này, dự kiến có khoảng 8.500 chó và mèo tại huyện Đức Huệ sẽ được tiêm phòng trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 26 tháng 04. Tính đến nay, sau 5 năm triển khai, chương trình đã bảo vệ an toàn cho hơn 33.000 con chó và mèo, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng.
PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: "Bệnh dại hoàn toàn có thể kiểm soát và loại trừ được nếu có chiến lược tiếp cận bài bản và đồng bộ. Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa tiêm phòng diện rộng, truyền thông giáo dục cộng đồng và giám sát vật nuôi chính là chìa khóa để tạo ra những thay đổi tích cực về thái độ của người nuôi".
Cũng theo PGS.TS Lê Quang Thông, sự chủ động của chủ nuôi trong việc tìm kiếm hỗ trợ thú y và tiêm phòng cho vật nuôi của mình là nền tảng vững chắc để xây dựng biện pháp phòng chống bệnh dại bền vững trên cả động vật và con người. Để đạt được thành công trên phạm vi cả nước, cần có sự chung tay và nâng cao ý thức của toàn bộ cộng đồng. Do đó, việc tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là hành động thiết thực bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn/
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác