03/07/2025 08:43
Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù đây là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ, đa phần có thể tự khỏi, nhưng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong. Do đó, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo để đưa trẻ nhập viện điều trị sớm để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 600 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024 (516 trường hợp). Các ca bệnh tập trung chủ yếu tại phường Buôn Ma Thuột và một số huyện như Krông Pắk, Krông Năng, Krông Ana, Cư M’gar, Ea Kar... Trong đó, đã có nhiều trẻ phải nhập viện do các triệu chứng nặng, có nguy cơ biến chứng. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 3-5 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng nhập viện theo dõi và điều trị. Riêng tại Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận điều trị cho hơn 400 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.
Có 3 đứa con nhưng đây là lần đầu tiên có con mắc bệnh tay chân miệng nên anh chị Cừ Chỉ Giỏi (trú tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) không khỏi hoang mang, lo lắng và lúng túng trong việc chăm sóc khi con mắc bệnh. Theo anh Cừ Chỉ Giỏi, cách đây 3 ngày khi ở nhà bé C.A.T (2 tuổi) có triệu chứng sốt cao, anh ra tiệm thuốc tây lấy thuốc cho bé uống mấy ngày nhưng không đỡ nên anh chị đưa bé nhập viện. “Khi ở nhà bé bị mãi không hết sốt. Tối hôm qua thấy bé nổi hạt khắp người, hoảng quá nên dù đang là 12 giờ đêm, 2 vợ chồng vẫn chạy xe máy suốt 2 tiếng đưa con từ huyện ra Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để nhập viện. Nhìn con đau ốm như vậy tôi cũng chỉ biết cầu mong các y, bác sĩ cố gắng chữa trị để con sớm khỏe chứ tôi thấy bệnh nguy hiểm quá”, anh Cừ Chỉ Giỏi chia sẻ.
.jpg)
|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng với các nốt bọng nước mọc khắp cơ thể.
|
Chăm sóc con là cháu P.X.K (16 tháng tuổi) bị tay chân miệng ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã 5 ngày, chị Nguyễn Thị Xuân Chi (trú tại phường Thành Nhất, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa hết bàng hoàng khi con mình đã phải trải qua những ngày bệnh tật nguy hiểm. Mặc dù đã từng nghe về bệnh tay chân miệng, nhưng đến khi con mắc bệnh, chị mới thấy hết những nguy hiểm mà bệnh mang lại. Chị Nguyễn Thị Xuân Chi tâm sự: “Tôi thấy căn bệnh này quá nguy hiểm. Khi mắc bệnh, bé nhà tôi sốt cao, bỏ ăn, lở hết miệng. Khi ở nhà, bé sốt cao hơn 38 độ, tôi có đi lấy thuốc cho bé uống nhưng không đỡ. Đến tối, tôi thấy người bé nổi đầy các nốt mụn nước, tôi liền đưa bé đi cấp cứu. Tại Bệnh viện, tôi được các y, bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc bé đúng cách như cho bé ăn nguội, ăn đồ lỏng, uống nhiều nước để giúp bé nhanh hồi phục”.
.jpg)
|
Trẻ mắc tay chân miệng có dấu hiệu điển hình là nổi các bọng nước ở tay, chân, miệng và các bộ phận khắp cơ thể.
|
Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng do vi rút đường tiêu hóa gây ra, thường gặp nhất là vi rút Enterovirus 71 (EV71). Bệnh lây truyền nhanh qua đường tiêu hóa và tiếp xúc gần. Trong đa số trường hợp, trẻ có thể hồi phục sau 5–7 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khoảng 10–15% ca bệnh có thể có biến chứng nặng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, trẻ có bệnh nền hoặc trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh tay chân miệng không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng nếu lơ là, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Việc trang bị kiến thức đúng đắn, theo dõi sát các dấu hiệu bất thường và chủ động đưa trẻ đi khám là điều hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: Khi trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ và đưa đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có một trong những biểu hiện sau: Thứ nhất, trẻ sốt cao liên tục hoặc sốt cao trên 39 độ; Thứ hai là trẻ giật mình nhiều, run chân hoặc đi loạng choạng; Thứ 3 là trẻ chới với, bỏ bú, thần kinh có các dấu hiệu bất thường thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi mắc, bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng và để lại hậu quả nghiêm trọng nếu phụ huynh chủ quan và thiếu hiểu biết không kịp thời phát hiện. Chính vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ nhập viện là điều vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là sự quan tâm đến sức khỏe của trẻ mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ tương lai của cộng đồng./.
Bài: Mai Lê; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác