27/10/2021 02:41
Sáng 27/10, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế, bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các khoa, phòng của bệnh viện đã có buổi gặp mặt và làm việc với đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 1.000 giường của TP. HCM lên hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh.
Theo báo cáo của ngành y tế, tính đến sáng ngày 27/10, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 3.479 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 1.436 bệnh nhân, 23 trường hợp tử vong.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đang điều trị cho 35 bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong đợt công tác này, đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hướng dẫn giải quyết các vấn đề về điều trị bệnh nhân COVID-19 mà Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên còn vướng mắc. Vì Đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã có rất nhiều kinh nghiệm trong thời gian điều trị các bệnh nhân COVID-19 vừa qua ở TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác nên khi đến với Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ sẽ giúp bệnh viện thấy được các lỗ hổng mà bệnh viện còn thiếu sót trong công tác sàng lọc, các khu cách ly, khu vực điều trị bệnh nhân. Qua đó, giúp cho bệnh viện hoàn thiện hơn trong vấn đề điều trị bệnh nhân COVID-19. Điều quan trọng, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ cho bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên công tác điều trị cũng như về trang thiết bị, máy móc, vật tư còn thiếu từ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như có ý kiến lên Bộ Y tế để hỗ trợ cho tỉnh. Đặc biệt, trong đợt này sẽ triển khai hệ thống ECMO-máy tim phổi nhân tạo trong điều trị bệnh COVID-19. Hệ thống ECMO đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân nặng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, trong thời gian này, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ triển khai thêm 350 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở khu nhà E. Tại khu nhà E gồm 7 tầng, bệnh viện sẽ sửa chữa lại tất cả các phòng, trang bị tất cả hệ thống ô xy và các trang thiết bị phục vụ cho quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Qua chuyến công tác này, đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng sẽ góp ý cho bệnh viện những điều cần lưu ý trong việc lắp đặt các trang thiết bị ở khu nhà E, đường đi, thang máy…để hoàn thiện khu nhà E thành một quy trình khép kín, thuận lợi cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 đạt hiệu quả nhất. “Để trang bị, mở rộng khu nhà E thành khu điều trị COVID-19 trước hết phải cần nguồn kinh phí rất lớn vì mỗi phòng bệnh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 phải trang bị rất nhiều máy móc, trang thiết bị. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng là một khó khăn, nếu mở rộng khu nhà E, trang bị thêm 350 giường bệnh nhân lực sẽ thiếu, lúc đó sẽ phải điều động các đơn vị hỗ trợ từ các tuyến huyện, các bệnh viện tư nhân, sinh viên. Nếu dịch bùng phát mạnh, sẽ đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm nhân lực từ các tỉnh để làm tốt công tác phòng, chống bệnh, để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân COVID-19 của tỉnh”, bác sĩ Phong chia sẻ thêm.
Bác sĩ CKII Trần Thanh Linh trao đổi với y bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Vùng Tây Nguyên
Đoàn làm việc khảo sát các trang thiết bị chuẩn bị phục vụ công tác điều trị khi mở rộng khu nhà E điều trị bệnh nhân COVID-19
Trong sáng 27/10, đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 1.000 giường của TP. HCM làm trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát tại khu nhà E, khu điều trị bệnh nhân Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, theo bác sĩ Trần Thanh Linh, Đoàn sẽ đi khảo sát toàn tỉnh Đắk Lắk từ thành phố cho đến các huyện, thị xã, cũng như các khu thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. “Chúng tôi sẽ khảo sát, nắm rõ tình hình dịch trên địa bàn. Sau khi khảo sát xong sẽ đánh giá chính xác Đắk Lắk đang ở cấp độ nào, mức độ dịch ra sao để đưa ra kịch bản. Đồng thời, xây dựng kịch bản phân tầng điều trị, tầng 1, tầng 2, tầng 3 (mô hình điều trị tháp 3 tầng - PV) mỗi tầng bao nhiêu giường rất quan trọng và chia sẻ những kinh nghiệm từ TP.HCM cho Đắk Lắk”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Ngoài việc khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để xem vấn đề phân luồng, để phát hiện sớm, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đoàn sẽ vào khu điều trị để nắm tình hình trang thiết bị điều trị hiện nay tại Đắk Lắk. Bên cạnh đó, Đoàn sẽ di chuyển đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đắk Lắk, Bệnh viện Dã chiến số 1 để làm việc, khảo sát các vấn đề chăm sóc, điều trị, cách ly bệnh nhân.
Đoàn làm việc khảo sát các trang thiết bị phục vụ cho quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19
đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xem vấn đề phân luồng, để phát hiện sớm, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Trong đợt công tác này, ngoài hỗ trợ về nhân lực, Bệnh viện Chợ Rẫy còn tiến hành tài trợ đồ phòng hộ, các dụng cụ, trang thiết bị y tế cho Đắk Lắk để hỗ trợ chống dịch.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác