30/10/2021 10:58
Tính đến ngày 29/10, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 3.747 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó đang điều trị 1.627 trường hợp, 24 trường hợp tử vong. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt trong 2 tuần trở lại đây, khi số ca mắc bệnh trong cộng đồng gia tăng liên tục với các ổ dịch phức tạp, để khống chế dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, ngành Y tế đã triển khai nhiều phương án, huy động toàn lực, chủ động, tích cực phòng chống dịch.
Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng, số ca nặng, nguy kịch tăng nhanh, tỷ lệ tử vong tăng trong thời gian ngắn. Trong 14 ngày qua, tỉnh đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc mới, trong đó có hơn 850 trường hợp phát hiện trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 72% ca mắc mới), trong 7 ngày vừa qua mỗi ngày trung bình từ 150-180 trường hợp mắc mới, dự báo trong những ngày tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Để đáp ứng nhu cầu thu dung và điều trị cho bệnh nhân COVID-19, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 1.920 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng. Trong đó, tầng 1 là Bệnh viện Dã chiến số 01 với 1.200 giường, TTYT huyện Krông Búk 230 giường, Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333 với 300 giường; Tầng 2 là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi với 100 giường và tầng 3 là Khu điều trị hồi sức Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên 90 giường.
Tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 01
Trước việc gia tăng số lượng bệnh nhân COVID-19 trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc chuẩn bị các cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị đáp ứng trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 gia tăng trong thời gian tới với phương án nâng công suất điều trị tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 lên 5.000 giường bệnh trên tất cả các tuyến. Trong đó, thành lập thêm Bệnh viện Dã chiến số 02 với quy mô 1.000 giường, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ mở rộng giường điều trị bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch lên 700 giường. Các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có bố trí từ 5-20 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Theo bác sĩ CKII Nay Phi La, việc số ca bệnh tăng nhanh đã ảnh hưởng, tác động đến 3 tầng điều trị của ngành. Tới thời điểm này, theo đánh giá, tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 3, trong đó tỷ lệ ca nhiễm trong cộng đồng rất cao, chiếm tỷ lệ 193/100.000 dân, độ bao phủ vắc xin đang thấp gây không ít khó khăn cho việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Khi xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ 4, ngành Y tế đã xây dựng 5 kịch bản để phòng, chống dịch. Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đang ở kịch bản thứ tư, 3.000-10.000 ca bệnh. Mặc dù đã xây dựng kịch bản với 5 bệnh viện điều trị theo mô hình tháp 3 tầng nhưng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực điều trị ICU (phòng chăm sóc tích cực) rất khó khăn, nhân lực không thể đáp ứng đủ nhu cầu điều trị khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng như máy ECMO, máy lọc máu và tất cả các vật tư đi kèm còn thiếu. Trên những khó khăn đó, với phương châm 4 tại chỗ, ngành y tế Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch huy động tất cả các nhân lực, kể cả sinh viên, phòng khám tư nhân, bệnh viện tư tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Để giảm được tỷ lệ tử vong, ngành y tế đã chủ động liên hệ với Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đoàn bác sĩ gồm 10 cán bộ bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó có bác sĩ CK II Trần Thanh Linh, là người có kinh nghiệm trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 lên giúp cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh. Hiện đoàn bác sĩ đang khảo sát các cơ sở điều trị trên toàn tỉnh, sau đó sẽ có đề xuất, tham mưu về công tác phòng, chống dịch. Sau đó đoàn sẽ “cầm tay, chỉ việc” về điều trị ICU cho bác sĩ tỉnh nhà, qua đó sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với kế hoạch nâng công suất điều trị, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ các trang thiết bị tại các Bệnh viện Dã chiến từ TP. Hồ Chí Minh đã ngừng hoạt động để bổ sung, xây dựng lắp đặt cho Bệnh viện Dã chiến số 02 với công suất 1.000 giường bệnh.
Nâng cao năng lực trang thiết bị vật tư y tế đáp ứng khi tình hình dịch bệnh Covid-19 gia tăng
Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng bệnh và giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong khi mắc bệnh. Do đó, bên cạnh các hoạt động phòng, chống dịch, ngành Y tế đã đa dạng hóa, linh hoạt tất cả các nguồn vắc xin để nhanh chóng phủ vắc xin trong toàn dân trên 18 tuổi. Theo bác sĩ Nay Phi La, với tốc độ tiêm và 184 điểm tiêm là các trạm y tế, cộng với khoảng 2.000 cơ sở đủ khả năng đáp ứng điều kiện tiêm vắc xin từ tất cả các phòng khám tư nhân và bệnh viện, Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ, với năng lực, tính toán của ngành y tế, 1 ngày tỉnh Đắk Lắk có thể đạt được khoảng 200.000 người được tiêm. Nếu cấp đủ vắc xin, đến hết tháng 11, tỉnh sẽ đạt độ bao phủ 80% người dân được tiêm mũi 1. Và vào tháng 1/2022, tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu phủ 100% vắc xin trong toàn dân.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác