01/11/2021 02:28
Để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại buôn đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp để tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổ Covid cộng đồng, kiến nghị đầu tư nguồn lực cho hệ thống truyền thanh cơ sở, tạo“thành trì” chống dịch vững chắc nơi buôn làng.
Linh hoạt giải pháp tuyên truyền
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, tỉnh Đắk Lắk đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách khi số lượng người từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về nơi cư trú đông, số ca mắc mới tăng cao và chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ đồng bào DTTS mắc Covid-19 chiếm hơn 60% trên tổng số ca nhiễm và số người mắc vẫn không ngừng tăng lên.
Công an cùng cán bộ địa phương đi xe máy cày vào tận buôn làng tuyên truyền phòng dịch.
Trung tá Nguyễn Trần Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Búk cho hay, khi dịch bệnh bùng phát nhiều ở các buôn đồng bào dân tộc Êđê, vì phong tục, tập quán của bà con mang tính cộng đồng rất cao. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện phối hợp với các đơn vị cử cán bộ đến tận nhà, nhờ già làng, người có uy tín đến tuyên truyền, vận động bà con ở yên trong nhà, tuân thủ nghiêm các quy tắc 5K để phòng, chống dịch bệnh.
Để dễ dàng tiếp cận các thôn, buôn vừa tiếp tế lương thực vừa tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Krông Búk đã sử dụng chính những chiếc xe máy cày mà bà con vẫn dùng lên nương rẫy vận chuyển nông sản để thuận tiện di chuyển và hỗ trợ bà con.
Đoàn viên, thanh niên xã Ea Sô (huyện Ea Kar) phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống COVID-19 cho người dân các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn- Ảnh : N.X
Bà H’Yao Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho hay, đơn vị đã ban hành Kế hoạch số 669/KH-BDT về triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, với nhiều nội dung và giải pháp triển khai cụ thể. In ấn 15.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng 3 thứ tiếng Việt - Ê đê - Mnông để phát cho đồng bào DTTS toàn tỉnh.
Nhằm đa dạng thông tin, hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch trong đồng bào DTTS, Ban Dân tộc Đắk Lắk đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng, sản xuất chương trình truyền hình, phát thanh nội dung phòng, chống dịch Covid-19 trong đồng bào DTTS bằng 3 thứ tiếng Việt - Ê đê- Mnông. Đồng thời, cung cấp sản phẩm truyền hình, phát thanh này đến 15 Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và 62 Đài Truyền thanh cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Với phương châm phát huy vai trò của người uy tín tại thôn, buôn, tỉnh đã động viên 1.021 người uy tín trong đồng bào DTTS cùng xung kích trên mặt trận chống dịch. Đây là những "đầu tầu" trong các hoạt động tuyên truyền ở cộng đồng, dẫn dắt đồng bào các DTTS tham gia chung tay cùng chính quyền chặn đứng dịch bệnh, bà H’Yao Knul thông tin.
Bên cạnh đó trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh Covid-19, Ban Dân tộc đã huy động đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cơ sở, cùng với 379 người có uy tín tại các địa phương tham gia cấp phát 15.000 tờ rơi truyền truyền về phòng chống dịch Covid -19 đến tay đồng bào DTTS. Mỗi thành viên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động đồng bào nghiêm chỉnh chấp hành quy định “ai ở đâu, ở yên ở đó”.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong vùng đồng bào DTTS, số ca F0 là người DTTS tăng nhanh, Ban Dân tộc đã xây dựng văn bản, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, tạo điều kiện quan tâm, hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng trong đồng bào DTTS. Kịp thời rà soát, lập danh sách đồng bào DTTS mắc Covid-19 gửi đến Ủy ban Dân tộc hỗ trợ 101 F0 là người DTTS trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 202 triệu đồng kịp thời, đúng đối tượng.
Khắc phục “khoảng trống” trong truyền thông
Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức khảo sát việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 tại 8 xã thuộc 4 huyện Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn và Krông Pắk.
Nội dung khảo sát về việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19, như: Tiếp và phát sóng các chương trình phát thanh trên hệ thống Đài truyền thanh của địa phương, tuyên truyền bằng loa di động, phát tờ rơi, lắp đặt panô, áp phích bằng tiếng, chữ viết các dân tộc tại những địa điểm công cộng...
Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Đắk Lắk khảo sát tại xã Ea Bar- huyện Buôn Đôn
Ông Lê Văn Cường –Trưởng Ban Dân tộc –HĐND tỉnh đánh giá, các địa phương và UBND cấp xã làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống các dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19. Nhiều địa phương cơ sở có cách làm hay, năng động, linh hoạt để huy động kinh phí mua loa di động, loa phóng thanh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch; kịp thời khắc phục những hạn chế về kinh phí, với phương châm không trông chờ ỉ lại, “chống dịch như chống giặc” tất cả vì mục tiêu phòng dịch hơn dập dịch, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân đặt lên hàng đầu.
Ban Dân tộc đi khảo sát thực tế cùng chính quyền ở huyện Krông Ana
Tuy nhiên qua khảo sát, Đoàn công tác nhận thấy, hệ thống loa, đài truyền thanh của các xã đã xuống cấp, các cụm phát sóng chưa phủ sóng hết tất cả cá khu dân cư; đời sống, điều kiện kinh tế của người dân còn thấp, số người dân là người dân tộc thiểu số sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử thông minh còn hạn chế dẫn đến việc tiếp cận thông tin còn thấp, công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn; pano, áp phích có nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch để cổ động trực quan bằng tiếng dân tộc còn ít. Đài truyền thanh cấp xã dù đã bố trí cán bộ làm nhiệm vụ biên tập nội dung, thu, phát sóng là người dân tộc thiểu số nhưng chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao…
Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương kinh phí đầu mua sắm, duy tu, bảo dưỡng các trang thiết thị hệ thống âm thanh, loa, đài còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của cơ sở; kinh phí hằng năm cho việc tuyên truyền bằng pano, áp phích được giao bình quân, nếu như thông lệ hàng năm không có dịch bệnh COVID-19 tạm đủ, nhưng do dịch bệnh việc in ấn pano, áp phích nhiều hơn nên rất hạn chế, khó khăn.
Qua đợt khảo sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trong phòng, chống các dịch bệnh; quan tâm phân bổ kinh phí đảm bảo trong phòng, chống dịch, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xây dựng các file tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng dân tộc, có thời lượng khoảng từ 5-10 phút, nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ tuyên truyền; hỗ trợ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn cao để sửa chữa hệ thống Đài truyền thanh các xã…; khi mua sắm trang thiết bị cho Đài truyền thanh cấp xã cần lựa chọn gói thầu các trang thiết bị dễ vận hành, dễ sửa chữa, có tuổi thọ cao. Huy động thêm các lực lượng, bộ phận khác để hỗ trợ cho công chức Văn hóa thông tin, cán bộ Đài truyền thanh xã trong tuyên truyền để ngăn chặn từ sớm, từ xa khi chưa có dịch, ông Cường nhấn mạnh.
Về lâu dài, để trang bị nguồn lực lâu dài cho cơ sở, Ban Dân tộc đã đề xuất Thường trực HĐND tỉnh có cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng truyền thanh cơ sở, đặc biệt việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID - 19 tại một số địa phương có tỷ lệ lớn đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp tục đề xuất chính sách phù hợp và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID - 19 đang diễn ra hiện nay.
Kim Bảo
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác