06/11/2021 04:19
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu ngừng lại như hiện nay, các trường hợp dương tính với COVID-19 là F0 vẫn được ghi nhận, dẫn đến việc các trường hợp F1 cách ly trong các cơ sở cách ly y tế tập trung bị quá tải, có thể dẫn đến lây nhiễm chéo. Trước thực tế đó, việc Thành phố Buôn Ma Thuột triển khai thí điểm thực hiện cách ly y tế F1 tại nhà là một giải pháp tối ưu để giải quyết “bài toán” nêu trên. Mặt khác, cách ly thí điểm F1 tại nhà còn tạo điều kiện cho các trường hợp F1 sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tinh thần thoải mái hơn…
Trước hết, cần xác định việc cách ly F1 tại nhà hay khu cách ly y tế tập trung đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Đối với phương án này, Bộ Y tế cũng đã có những hướng dẫn rất cụ thể và nghiêm ngặt, không phải nhà nào cũng có thể áp dụng cho F1 được cách ly tại nhà. Chỉ những trường hợp đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định của ngành Y tế, địa phương và cam kết tuân thủ các biện pháp phòng dịch mới có thể thực hiện. Theo đó, làm sao để F1 cách ly y tế tại nhà bảo đảm an toàn cho bản thân, cho gia đình cũng như tránh được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng (nếu không may nhiễm bệnh), ngành Y tế có khuyến cáo cụ thể về cách ly F1 tại nhà như sau:
Phải chuẩn bị khu vực cách ly trong nhà với điều kiện hoặc có phòng riêng, hoặc có khu riêng biệt, có phòng vệ sinh riêng. Phải có số điện thoại của cơ sở y tế, của nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn. Đồng thời, người cách ly phải chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như: dung dịch khử khuẩn tay, nước súc họng, khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng và chuẩn bị một số loại thuốc thiết yếu như: thuốc hạ sốt, vitamin C… Ngoài ra, các trường hợp cách ly tại nhà cần chuẩn bị thêm bàn, ghế trước cửa phòng hoặc khu vực cách ly để nhận nhu yếu phẩm từ gia đình, nhân viên y tế. Phòng cách ly cũng cần có một thùng rác có nắp.
Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế
Trong quá trình thực hiện cách ly, nên mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa trong phòng; cần đeo khẩu trang thường xuyên trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân; phải thay khẩu trang 2 lần/ngày và khử khuẩn bằng cồn, hoặc thuốc sát trùng trước khi bỏ khẩu trang. Đồng thời, người cách ly thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng, bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu… sau khi sử dụng; tuyệt đối không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác; tự phân loại chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt; đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi thấy có dấu hiệu ớn lạnh, sốt. Ghi chép thân nhiệt và báo cáo cho nhân viên y tế hằng ngày. Chú ý tập thể dục tại chỗ hằng ngày và ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; uống nhiều nước và bổ sung vitamin, khoáng chất thường xuyên...
Đặc biệt, người cách ly không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi; luôn thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tự đo thân nhiệt.
Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.
Người cách ly tại nhà cần được lấy mẫu đúng thời gian quy định
Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày theo quy định; Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly./.
Mỹ Hạnh – Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác