12/11/2021 11:22
Với 47 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số (DTTS) như Ê đê, M’nông, Thái, Tày, Nùng… chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để tuyên truyền phòng, chống dịch tại vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao ý thức của người dân, tạo “thành trì” chống dịch vững chắc nơi buôn làng.
Để đẩy mạnh và nâng cao hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trong vùng đồng bào DTTS, ngày 10/11, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 11070 gửi các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành của tỉnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong vùng đồng bào DTTS. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh và khuyến cáo của ngành Y tế. Đặc biệt, quan tâm tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số về phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, in ấn tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh để tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng 2 thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng DTTS trên địa bàn), nhất là chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đồng thời chỉ đạo cơ quan công tác Dân tộc cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số về công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn các thôn, buôn, tổ dân phố; không để người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch; cũng không hoang mang, dao động trước diễn biến dịch bệnh; tin tưởng tuyệt đối vào công tác chỉ đạo phòng, chống dịch và các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; tuyệt đối không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch nhằm phá hoại thành quả phòng, chống dịch của đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đảm bảo tốt an sinh xã hội trong vùng đồng bào DTTS, không để người dân bị thiếu đói do ảnh hưởng của dịch bệnh…
Huyện Cư Kuin tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 cho bà con dân tộc thiểu số bằng 2 thứ tiếng
Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền trong công tác phòng, chống dịch, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bên cạnh các hoạt động triển khai truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhằm khống chế dịch bệnh, huyện Buôn Đôn còn đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Để thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch đến tận nhà dân, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã sử dụng xe tuyên truyền lưu động đến trung tâm 7 xã và 26 buôn đồng bào DTTS; Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tăng cường nội dung, thời lượng chương trình tuyên truyền về dịch COVID-19 bằng tiếng phổ thông và tiếng Êđê; nội dung thông tin, tuyên truyền về việc ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường; thực hiện “mục tiêu kép” phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các địa phương có số ca nhiễm, tình hình, diễn biến dịch phức tạp; nêu gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống dịch; chủ trương của tỉnh về việc đón công dân từ vùng dịch về địa phương bảo đảm an toàn và hiệu quả...
Từng là “điểm nóng” về dịch bệnh COVID-19, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân nên tới thời điểm hiện tạ, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, dịch bệnh đã cơ bản được ngăn chặn, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Bhốk Nguyễn Xuân Phương, việc ngăn chặn chuỗi lây trong buôn đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn vì tập quán sinh sống có tính cộng đồng cao, trong khi ý thức phòng, chống dịch bệnh của bà con chưa cao. Vì vậy, để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, xã đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong đó, việc “đi tận ngõ, gõ từng nhà”, phát tờ rơi, treo băng rôn, pa nô, áp phích… tuyên truyền bằng cả hai thứ tiếng là những giải pháp rất hiệu quả. Từ đó, định hướng dư luận để người dân không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo sợ mà thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại ổ dịch trong cộng đồng tại buôn Pu Huê, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, chính quyền địa phương cũng đã chủ động tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân bằng hai thứ tiếng . Ông Y Nik Êban (trú tại buôn Pu Huê) cho biết: “Từ khi được nghe qua loa truyền thanh xã và được cán bộ cơ sở truyền đạt trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình thì tôi đã hiểu rõ hơn về dịch COVID-19, qua đó nhắc nhở con cháu mình tự giác phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay sạch sẽ, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc”.
Thời gian qua, để giúp người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng, Ban Dân tộc tỉnh đã in ấn 15.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch bằng ba thứ tiếng (tiếng phổ thông - Êđê - M'nông) để phát cho đồng bào DTTS; đồng thời, cung cấp sản phẩm truyền hình, phát thanh nội dung phòng, chống dịch trong đồng bào DTTS bằng ba thứ tiếng cho đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và đài truyền thanh cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS. Mới đây, Ban Dân tộc đã tổ chức khảo sát việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 tại 8 xã thuộc 4 huyện Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn và Krông Pắc.
Bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với địa bàn rộng, dàn trải, đông các dân tộc anh em, bên cạnh các hoạt động phòng, chống dịch như thành lập các xe lưu động trong đó có chuẩn bị bình ô xy, test đi đến tất cả các buôn làng vùng sâu, vùng xa khó khăn đi lại để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, ngành Y tế còn chủ động chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các buôn đồng bào DTTS bằng 2 thứ tiếng. Bên cạnh đó, trong công tác phòng, chống dịch, ngoài sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị thì sự vào cuộc của các già làng, những người uy tín, các chức sắc trong tổ chức tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng. Họ là những người có tiếng nói trong công tác tuyên truyền người dân bởi họ hiểu được các phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt cũng như tiếng nói của dân tộc đó, nhờ đó sự truyền tải thông tin của ngành Y tế đến với người dân được dễ dàng, tạo được sự đồng thuận hơn.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, người dân ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; phát huy tốt tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, mỗi buôn, làng là một pháo đài chống dịch”.
Bài, ảnh: Mai Lê
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác