24/11/2021 01:21
Để bảo vệ trẻ em trước dịch bệnh COVID-19, việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ là cách bảo vệ các em hữu hiệu nhất. Do đó, dự kiến vào cuối tháng 11, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Và để đảm bảo an toàn cho trẻ trong đợt tiêm chủng này, ngành Y tế tỉnh nhà đã chuẩn bị các phương án, các điều kiện để tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em khi có vắc xin phân bổ của Bộ Y tế.
Trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, ngành Y tế sẽ sử dụng vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech (vắc xin Pfizer) sản xuất tại Mỹ. Đây là vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng, đảm bảo an toàn. Theo bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk: Hiện nay, Bộ Y tế đã đồng ý cấp cho tỉnh Đắk Lắk 64.250 liều vắc xin Pfizer để dành tiêm cho các trẻ em từ 12-17 tuổi. Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã lập kế hoạch với tổng số học sinh từ 12-17 tuổi chiếm khoảng 63.250 em, cộng với các cơ sở của trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cũng như tại các cơ sở tư nhân trên địa bàn, như vậy sẽ đủ vắc xin phủ mũi 1 cho tất cả các em từ 12-17 tuổi. Dự kiến việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ sẽ bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12. “Việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, hiện tại ngành Y tế đã tiến hành tập huấn, huấn luyện tất cả các trạm y tế lưu ý về các độ tuổi, các bệnh lý kèm theo. Song song đó, đối với các điểm tiêm, ngành Y tế bố trí các tổ cấp cứu lưu động, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra để đảm bảo nhanh nhất, an toàn nhất cho đợt tiêm này”, bác sĩ Nay Phi La nhấn mạnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đảm bảo an toàn, ngành Y tế đã làm kế hoạch cụ thể trình UBND tỉnh. Công tác tiêm chủng sẽ thực hiện lần lượt cho học sinh THPT trước rồi đến THCS và lần lượt theo từng khối lớp. Địa điểm tiêm chủng được thực hiện ngay tại các trường học, học sinh của trường nào sẽ tiêm tại trường đó, công tác tổ chức tiêm chủng đảm bảo nguyên tắc 5K về phòng chống dịch COVID-19. Vắc xin sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là vắc xin Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).
Trước thông tin địa phương chuẩn bị triển khai phương án tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, chị Nguyễn Thị Mến (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), chia sẻ: Gia đình chị có 2 người con, cháu 15 tuổi và cháu 12 tuổi. Hiện những người lớn trong nhà đều đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19, còn 2 cháu nhỏ chưa được tiêm nên gia đình ai cũng lo lắng vì dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Khi nghe tin tỉnh chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ, bản thân chị cũng như nhiều phụ huynh khác rất mừng vì con em được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Đây là điều rất cần để học sinh có thể đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn trong tình hình mới, nhất là khi nhà trường mở cửa học trực tiếp trở lại.
Tuy nhiên, trái ngược với chị Mến, anh Bùi Văn Cường (trú tại huyện Cư Kuin) không khỏi lo lắng: Tôi biết việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ là việc làm cần thiết trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay. Thế nhưng, con tôi 14 tuổi, vốn mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ nên tôi khá lo lắng khi cho con tiêm vắc xin COVID-19. Tôi định chờ tới khi tới lịch tiêm sẽ hỏi xin ý kiến bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe của cháu nếu tiêm được tôi sẽ cho cháu tiêm để phòng bệnh.
|
Dự kiến việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ sẽ bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12
|
Thực tế, để việc tiêm vắc xin cho trẻ đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn, phụ huynh cần lưu ý: Cũng giống như người lớn, đối với những trẻ có bệnh nền như ung thư, mắc các bệnh lý về máu, tim bẩm sinh, hen suyễn... cần được thăm khám sàng lọc kỹ trước tiêm. Về nguyên tắc, tiêm vắc xin phòng COVID-19 chống chỉ định với những trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin cùng loại trước đó; thận trọng với những trẻ có cơ địa dị ứng như dị ứng với thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng với các loại vắc xin khác... Sau khi tiêm vắc xin, trẻ có thể gặp những phản ứng sau tiêm như: sưng đau chỗ tiêm, cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ, đau nhẹ toàn thân, ói, tiêu chảy. Trẻ em sau khi tiêm vắc xin cần phải theo dõi chặt chẽ ít nhất 30 phút tại điểm tiêm để nếu xảy ra phản ứng như sốc phản vệ thì sẽ kịp thời xử lý. Ngoài ra, khi về nhà trẻ vẫn cần được theo dõi 24-48 tiếng, khi thấy trẻ có những dấu hiệu như: tím tái, khó thở, tay chân lạnh, sốt cao kéo dài phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Sau khi tiêm chủng, trẻ cần uống nhiều nước lọc, hạn chế những chất kích thích, chất béo, hạn chế vận động trong 3 ngày đầu sau tiêm.
|
Vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng, đảm bảo an toàn
|
“Các bậc phụ huynh nên đăng ký cho trẻ chích ngừa vắc xin phòng COVID-19 nhằm hạn chế rủi ro biến chứng nặng nếu trẻ bị nhiễm bệnh, không nên bài trừ vắc xin để tránh những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, phụ huynh cần biết cách chuẩn bị chu đáo cho trẻ trước tiêm, trong tiêm và theo dõi sau tiêm cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ y tế”, bác sĩ Nay Phi La chia sẻ thêm.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác