25/11/2021 04:09
Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế, quá tải cho cơ sở điều trị F0 tập trung. Trước bối cảnh ấy, ngành Y tế đã linh hoạt triển khai nhiều phương án để ứng phó nhằm sớm đưa cuộc sống của người dân thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Từ ngày 8/5/2021 (thời điểm ghi nhận ca bệnh đầu tiên) đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 7.000 bệnh nhân mắc COVID-19 (F0). Số ca mắc liên tục tăng cao trong vòng 2 tháng qua, khi bình quân mỗi ngày có từ 70 đến 100 ca mắc mới. Đặc biệt, nhiều ca mắc liên quan đến các tiểu thương, chợ dọc Quốc lộ 14, việc truy vết khó khăn, các chùm ca bệnh ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xuất hiện rải rác.
|
Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại chợ đầu mối Tân Hòa - Thành phố Buôn Ma Thuột
|
Bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau khi thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, đánh giá tình hình dịch COVID-19 hàng tuần trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ đầu tháng 11 đến hiện tại, số ca bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh khoảng 700 ca/tuần. Trên cơ sở đó, ngành Y tế dự báo từ nay đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, số ca bệnh sẽ tăng nhanh với số ca tích lũy có thể lên đến 8.000 đến 10.000 người. Nguyên nhân là do mặc dù tỉnh đã bao phủ vắc xin mũi 1 đạt trên 90% nhưng thời gian tính từ ngày tiêm cho đến khi đạt mũi 2 mới đạt được 14 ngày, trong khi đó số lượng tiêm mũi 2 mới chỉ đạt dưới 50%.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động đánh giá cấp độ dịch một cách chính xác, khoanh vùng, giám sát những địa bàn có nguy cơ cao, những khu vực phát sinh ổ dịch, ca bệnh trong cộng đồng, thực hiện xét nghiệm sàng lọc, truy vết không để dịch lây lan rộng.
Cùng với đó, để ứng phó với đỉnh dịch có thể xảy ra trong những ngày tới, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập thêm bệnh viện dã chiến điều trị F0, nâng số cơ sở điều trị F0 trên địa bàn lên 7 cơ sở với công suất đạt 3.722 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai điều trị F0 tại nhà. Đây là một điều kiện để ứng phó với tình huống số ca bệnh trên địa bàn tăng cao, giúp người dân an tâm trong công tác điều trị cũng như đáp ứng công tác phòng chống dịch lâu dài của tỉnh.
Để chuẩn bị cho phương án điều trị F0 tại nhà, ngành Y tế đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống y tế công lập lẫn tư nhân trong vấn đề chăm sóc, giám sát và điều trị F0 tại cộng đồng; xây dựng chi tiết hướng dẫn điều trị F0 tại nhà và hướng dẫn y tế địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế cho việc thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ, điều trị F0 tại nhà. Các trạm y tế lưu động sẽ hình thành trên cơ sở 184 trạm y tế xã, phường cộng với trên 150 phòng khám đa khoa đủ điều kiện. Ngoài các TYT xã phường đảm nhiệm công việc chính, mỗi phòng khám đa khoa sẽ đảm nhận một địa bàn hoặc một số lượng hộ dân cư trên địa bàn để thực hiện công tác phòng chống COVID-19, chăm sóc, giám sát, điều trị F0.
|
Thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ, điều trị F0 tại nhà
|
Cùng với đó, thời gian qua, ngành Y tế cũng đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho tỉnh 1 trạm sản xuất ô xy với lượng cung ứng mỗi ngày 50 bình, trọng lượng 40 kg. Đồng thời, huy động từ nhiều nguồn, cả mua sắm và vận động trang bị được trên 1.000 bình ô xy, đủ để cung ứng cho các trạm y tế. Theo dự kiến mỗi trạm y tế sẽ được cấp 2 bình ô xy lớn 40 kg và từ 3-5 bình 10kg để sẵn sàng hỗ trợ cho F0 có ô xy kịp thời trong quá trình điều trị tại nhà. “Ngành Y tế Đắk Lắk cũng đã được Bộ Y tế cấp trên 2.500 liều thuốc điều trị kháng vi rút. Với cơ số thuốc này tất cả các ca F0 điều trị tại nhà đều được tiếp cận thuốc ngay từ đầu để giảm thiểu biến chứng và tử vong do COVID-19”, bác sĩ CKII Nay Phi La chia sẻ.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác