25/11/2021 11:05
Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19.
Trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất, có thể kể đến Nicotine, khí than (carbon monoxide) và nhựa thuốc. Trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 69 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, có cả Ammonia (sản phẩm tẩy rửa), thạch tím (thuốc giết kiến) và Formaldehyde (dung dịch dùng trong ướp xác). Không có một loại chất nào trong thuốc lá là an toàn cả.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người hút thuốc lá có khả năng mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần người không hút thuốc lá. Hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn. COVID-19 tấn công và làm suy yếu phổi khiến những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc cao hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tổ chức và chuyên gia y tế công cộng hàng đầu lo ngại rằng những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn nếu mắc COVID-19.
Theo các bác sĩ chuyên khoa lao phổi, có 90 % bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp đều liên quan đến thuốc lá. Theo số liệu thống kê, thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong đó có 7 triệu trường hợp tử vong là liên quan trực tiếp đến sử dụng thuốc lá và 1,2 triệu trường hợp tử vong là do tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.
|
Có 90 % bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp đều liên quan đến thuốc lá
|
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Quý - Phó Trưởng khoa cấp cứu, hồi sức tích tực chống độc - Bệnh viện đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, thuốc lá truyền thống và các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha đều gây nhiều tác hại với người sử dụng. Khi hút thuốc lá phải tháo khẩu trang ra và phải dùng tay để bật lửa, tay đưa thuốc lên miệng nhiều lần làm tăng nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể của người hút thuốc lá. Những người hút thuốc mời nhau thuốc lá, dùng chung bật lửa hoặc các dụng cụ như ống điếu, ống tẩu để hút thuốc thì càng làm tăng việc lan truyền SARS-CoV-2 nếu trong nhóm có người đã mắc COVID-19. Khi những người hút thuốc lá tập trung cùng một khu vực để hút thuốc thì nguy cơ lây lan COVID-19 càng cao. Ho, khạc đờm là triệu chứng thường thấy ở người hút thuốc lá và điều này làm tăng nguy cơ lây lan COVID-19 nếu có người nhiễm bệnh.
Thật khó để đối phó với những thay đổi trong cuộc sống khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng như lúc này, những người còn đang hút thuốc lá cần ngưng ngay lập tức, những người đã bỏ hút thuốc lá thì không hút trở lại và tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế trong phòng chống dịch COVID-19 vì sức khỏe của bản thân, người thân và cộng đồng.
Bài, ảnh: Kim Oanh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác