02/12/2021 03:29
Môi trường bị ô nhiễm bởi chúng ta không biết gìn giữ và bảo vệ. Đặc biệt, ở những khu dân cư ô nhiễm có nhiều nguyên nhân, trong đó hành vi vứt bỏ rác thải bừa bãi ra môi trường là một trong những yếu tố chính. Đó không chỉ là hình ảnh xấu mà còn là nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Chất thải sinh hoạt từ những nơi đang có dịch bệnh sẽ là nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp, việc xả rác bừa bãi và phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt không đúng quy định sẽ là những nguyên nhân lây lan dịch bệnh cho nhiều người. Đặc biệt, là những loại rác thải liên quan đến các hộ gia đình có liên quan đến các trường hợp dương tính hoặc F1, những người sau khi khỏi bệnh, vùng phong tỏa… thì việc phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết cách phân loại và xử lý rác ngay tại nguồn để đảm bảo không phát tán những mầm bệnh nguy hiểm cũng như phòng chống ô nhiễm môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi trong khu dân cư.
Tại khu vực khối 7 phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, hàng ngày những người qua lại đều phải chứng kiến tình trạng rác thải được vứt bừa bãi hai bên đường khu vực nghĩa trang. Hiện tượng người dân mang rác thải vứt bỏ tại đoạn đường này đã nhiều năm nay nhưng không được xử lý triệt để. Vị trí này không phải là khu tập kết rác nên vài ngày xe môi trường mới tới dọn một lần, tuy nhiên khi dọn xong thì người dân lại vứt ra như cũ, do đó khi nào đoạn đường này cũng đầy rác, luôn bốc mùi khó chịu và mất mỹ quan, gây ảnh hưởng đến các hộ dân ở khu vực xung quanh và người qua đường. Nhất là những khi trời mưa to, rác trôi theo dòng nước gây ô nhiễm nguồn nước, rác vương vãi ra giữa đường gây cản trở giao thông.
Rác thải sinh hoạt được một số người dân vứt ra đường tại khối 7, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột
Ngày 12/9/2021 Chính phủ đã ban hành nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nêu rõ phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt. Tuy vậy công tác tuyên truyền cho người dân chưa được sâu sát nên chưa có sự cải thiện. Giả sử trong những đống rác thải đó có mang mầm bệnh nguy hiểm như vi rút Sars CoV -2 thì hậu quả sẽ rất lớn đối với cộng đồng, những người thu gom ve chai, phế liệu từ rác thải thường bới rác để tìm phế liệu, người công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác sẽ dễ dàng bị phơi nhiễm vì họ tiếp xúc trực tiếp. Không riêng đối với những đống rác tự phát mà ngay cả những túi rác ở tại gia đình, nếu như có người ốm mà chúng ta không biết xử lý chất thải đúng cách thì nguy cơ lây lan sẽ rất cao.
Bức xúc trước hành vi vứt rác thải sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường bà Phạm Thị Thuận, ở khối 7 phường Ea Tam nói: “Nhiều người vì không muốn đóng phí vệ sinh nên mang rác đến khu vực này vứt, có những người lại muốn nhà mình sạch sẽ nên mang rác thải qua khu vực này để vứt, họ vứt tất cả các loại kính vỡ, bàn ghế hư hỏng, áo quần lẫn xác chết động vật. Cuối cùng thì con đường cạnh nghĩa trang này là nơi tập kết rác thải, hậu quả là chúng tôi sống ở gần chịu cảnh hôi hám, bẩn thỉu. Ngoài ra chúng tôi còn phải ngửi mùi khí độc từ việc họ mang các loại cao su, nhựa hỏng đến đốt ngay đường đó”.
Tìm hiểu thêm vấn đề này chúng tôi được bà Đoàn Thị Trang Đài, khối trưởng khối 7 phường Ea Tam cho biết: Những năm gần đây Khối trưởng cùng Chi hội phụ nữ khối đã vận động từng hộ gia đình thực hiện lôí sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và để rác đúng quy định, không bỏ rác khu vực ven đường cạnh nghĩa trang, đã đưa ra quy định xử phạt nếu vi phạm cho mọi người biết. Tuy nhiên, một số hộ gia đình sống trong hẻm nhỏ, xe môi trường không vào lấy rác tận nhà được, họ cũng không đóng phí môi trường, một số hộ thuê trọ mới đến không hợp tác… nên vẫn mang rác ra khu vực đó vứt bỏ. Việc này tái diễn thường xuyên là do ý thức của một số người còn hạn chế, hơn nữa đoạn đường này không có nhà ở nên không có người giám sát để xử phạt, sắp tới chúng tôi sẽ bàn bạc để có biện pháp giải quyết triệt để.
Việc phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình chưa được thực hiện đúng quy định, nhìn chung đa số vẫn bỏ chung tất cả vào túi và mang ra ngõ để chờ xe rác đến mang đi. Chất thải vô cơ, hữu cơ, chất thải tái chế được và không tái chế đều bỏ chung, xe rác thu gom lẫn lộn. Chính vì thế cần có những tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân ý thức đối với phân loại rác thải. Phân loại đúng góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.
Rác thải sinh hoạt trước khi đưa đi xử lý thì cần được phân loại ngay từ hộ gia đình như sau: Rác hữu cơ dễ phân hủy là các loại rác dễ thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như các loại thức ăn thừa, hư hỏng, vỏ trái cây, cá chết… rác thải khó phân hủy thì có rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại có thể sử dụng lại được như giấy, vỏ chai nhựa, các loại vật dụng hỏng bằng sắt, nhôm, kẽm…rác thải không tái chế là phần bỏ. Phân loại rác thải từ nguồn ngoài việc giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí còn góp phần hạn chế phát tán các mầm bệnh nguy hiểm, hóa chất độc hại ra môi trường.
Bà Phan Thị H trú tại khối 7 phường Ea Tam, Buôn Ma Thuột làm thu gom phế liệu chia sẻ: :Dường như các hộ gia đình bỏ rác thải sinh hoạt không có phân loại, hàng ngày tôi gom phế liệu phải mở các túi rác để nhặt, tiếp xúc với mùi hôi của các loại thức ăn thừa, các chất bẩn như bĩm tả, băng vệ sinh rất bẩn, biết là ảnh hưởng sức khỏe nhưng vì cuộc sống cũng phải làm thôi”.
Tình hình số người mắc Covid-19 ngày càng nhiều, chưa có chiều hướng giảm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong các khu phong tỏa, khu cách ly cũng đang tăng lên. Hơn ai hết mỗi người dân cần có ý thức cao hơn trong việc phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, mỗi cá nhân cần tuân thủ 5k trong đó có việc giữ môi trường sống sạch sẽ. Ngoài ra cần có trách nhiệm đối với cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ và giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Đặc biệt sắp tới những hộ gia đình có trường hợp F0, F1 khi được cách ly, điều trị tại nhà cần phải chú ý việc xử lý chất thải sinh hoạt theo đúng quy định. Các chất thải sinh hoạt, như giấy vệ sinh chăm sóc người ốm, chất thải từ dịch giải cơ thể cần được gói kín và có giấy viết cảnh báo, được chôn lấp và khử khuẩn đúng quy định, không bỏ chung với chai lọ để tránh những người thu gom phế liệu tiếp xúc hoặc chó mèo tha phát tán vào môi trường… Mỗi hộ gia đình cần phân loại rác thải trước khi vứt bỏ, để rác đúng nơi quy định, tốt nhất là nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, đóng phí môi trường để công nhân vệ sinh đến tận nhà thu gom. Đặc biệt chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm trong đó có Covid -19, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường sống trong sạch.
Bà Phạm Thị Thủy, phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn- Bệnh viện dã chiến số 3 tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Đối với môi trường bệnh viện, nhất là những nơi điều trị bệnh dịch nguy hiểm công tác phòng chống nhiễm khuẩn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo được vấn đề này giúp cho bệnh nhân, người nhà và thầy thuốc tránh được lây nhiễm chéo. Ngoài việc sử dụng bảo hộ phù hợp, tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn của nhân viên y tế thì việc bệnh nhân và người nhà biết phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt cũng là một yêu cầu bắt buộc trong bệnh viện. Riêng đối với những khu dân cư nơi có các trường hợp F0 vừa khỏi bệnh, F1 đang cách ly cũng cần thực hiện nghiêm túc quy trình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại...có như vậy mới giảm được gánh nặng dịch bệnh cho cộng đồng”
Mỗi người dân đều có trách nhiệm nâng cao ý thức, thay đổi hành động để bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh chung, phòng chống dịch bệnh cũng là bảo vệ sức khỏe con người, có như vậy mới có thể cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Giảm bớt những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm đối với con người.
Bài, ảnh: Trần Lan
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác