07/12/2021 04:30
Thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế và được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Lắk, những ngày vừa qua, ngành Y tế tỉnh đã bắt đầu triển khai thí điểm điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Sau khi có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, chị N.T.M.T (Sinh năm 1995, trú tại phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) xin được điều trị tại nhà. Xét thấy bệnh nhân N.T.M.T đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ Y tế như mắc bệnh ở mức độ nhẹ không có triệu chứng lâm sàng, không mang thai, không có bệnh lý nền, đã tiêm 01 mũi vắc xin, có thể tự chăm sóc bản thân, cơ sở vật chất phòng ở đáp ứng các tiêu chí thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng… nên ngành Y tế đã đồng ý cho chị N.T.M.T được điều trị tại nhà. Sau khi tiếp nhận thông tin trên địa bàn có trường hợp F0 điều trị tại nhà, Trạm Y tế phường Thống Nhất đã nhanh chóng triển khai lực lượng thường xuyên theo dõi sát tình hình sức khỏe bệnh nhân, đồng thời cung cấp cho bệnh nhân các gói thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế để bệnh nhân điều trị tại nhà. Chị Nguyễn Thị Dung, Phó trưởng Trạm Y tế phường Thống Nhất cho biết: Để người dân yên tâm điều trị tại nhà, UBND phường phối hợp với Trạm Y tế đã tặng cho gia đình bệnh nhân máy SpO2, cặp nhiệt độ. Trạm Y tế đã hướng dẫn bệnh nhân đo SpO2 và nhiệt độ một ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều, Trạm cũng đã kết nối với bệnh nhân qua Zalo để bệnh nhân thường xuyên cập nhật các chỉ số của cơ thể và tình hình sức khỏe cho cán bộ y tế. Bên cạnh đó, Trạm còn phát cho bệnh nhân túi thuốc gồm các loại vitamin, thuốc bổ để bệnh nhân nâng cao sức khỏe, hướng dẫn bệnh nhân ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tập các động tác hít thở, thể dục nhẹ nhàng. Đến nay, sau 14 ngày cách ly điều trị tại nhà, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục rất tốt, xét nghiệm Realtime RT-PCR đã cho kết quả âm tính, chỉ số CT trên 35.
Để bệnh nhân yên tâm điều trị tại nhà, bên cạnh việc tư vấn qua điện thoại, Trạm Y tế còn cắt cử cán bộ y tế tới nhà lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân, đồng thời tư vấn, giải thích các vấn đề bệnh nhân gặp phải trong quá trình điều trị tại nhà. Bệnh nhân N.T.M.T chia sẻ: Quá trình tự điều trị tại nhà, tôi được các cán bộ y tế thường xuyên quan tâm, theo dõi sức khỏe cho bản thân. Bên cạnh việc cung cấp miễn phí các thiết bị cần thiết như máy SpO2, cặp nhiệt độ, hàng ngày các cán bộ y tế còn hướng dẫn tôi đo nhiệt độ và SpO2 ngày 2 lần, hướng dẫn tôi uống thuốc, dặn dò hướng dẫn cho tôi thực hiện các biện pháp để phòng tránh lây nhiễm chéo cho các thành viên trong gia đình.
Cán bộ trạm Y tế phường Thống Nhất hướng dẫn cho bệnh nhân N.T.M.T sử dụng gói thuốc A
Đặc biệt những ngày qua đã có một nhóm với hơn 100 tình nguyện viên tình nguyện hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà. Hiện nay nhóm đã thu hút hơn 40 bác sĩ, 60 dược sĩ, điều dưỡng cùng hàng chục tình nguyện viên ngoài ngành tham gia. Nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà hảo tâm về kinh phí, trang thiết bị, thuốc điều trị. Về các vật tư y tế, nhóm hiện có 340 bình ô xy các loại, 150 đồng hồ đo ô xy, 100 máy đo SpO2, 300 bộ mask thở, 1 máy tạo ô xy, hàng trăm gói thuốc điều trị, đồ bảo hộ, khẩu trang y tế và nhiệt kế thủy ngân để phục vụ cho bệnh nhân. Bác sĩ Phạm Hòa Anh– Trưởng nhóm tình nguyện hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà, cho biết: Sau khi tiếp nhận trên địa bàn có trường hợp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, nhóm sẽ tiếp nhận điều trị và phối hợp với Y tế phường để theo dõi triệu chứng, kê đơn, giao thuốc, hỗ trợ các thiết bị y tế khác như máy đo SpO2, bình ô xy đến tận nhà. Trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân có diễn biến khác thường thì sẽ được sắp xếp nhập viện. Đối với các bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện, nhóm sẽ hỗ trợ thăm khám online, theo dõi triệu chứng, tư vấn cho bệnh nhân về mặt tâm lý và phối hợp với các bệnh viện trong các phác đồ điều trị để kịp thời có hướng xử lý nếu có diễn biến bất thường. Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tặng thuốc, sữa, hỗ trợ các thiết bị y tế và các thức ăn dinh dưỡng khác để đảm bảo sức khỏe nhanh hồi phục.
Theo bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời được sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh cho phép điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà, trong đó lấy nguồn nhân lực của các trạm y tế làm chủ lực trong công tác điều trị F0 tại nhà. Đối với các địa phương, sau khi xây dựng các trạm y tế lưu động, nguồn nhân lực là các cán bộ y tế của trạm sẽ làm công tác điều phối bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành y tế còn đưa các phòng khám tư nhân trên địa bàn tham gia vào công tác điều trị F0 tại nhà. Khi đưa các hệ thống phòng khám tư nhân vào trong công tác điều trị F0 tại nhà sẽ giảm áp lực cho ngành y tế, khi đó, nhân viên của các trạm y tế sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và điều phối, phân luồng bệnh nhân nơi các phòng khám tư nhân đóng chân. Để thực hiện điều này, ngành y tế đã có kế hoạch hướng dẫn cũng như đề nghị các ban chỉ đạo xuống các trạm y tế khảo sát, lấy trạm y tế làm nòng cốt thực hiện công tác điều phối giữa các phòng khám tư nhân khi đã tham gia vào hệ thống điều trị F0 để giảm được áp lực cho ngành y tế. Trước mắt, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột ngoài 21 trạm y tế của các xã, phường, còn có 3 phòng khám chất lượng cao trên địa bàn thành phố đăng ký hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn được tiếp nhận hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức cũng như các tổ chức, cá nhân, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bằng cách tham gia vào các tổ giám sát cộng đồng. “Đặc biệt, việc ra đời nhóm tình nguyện hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà ở Đắk Lắk có ý nghĩa rất thiết thực, đây là một trong những nỗ lực rất lớn của cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Như vậy, ngành Y tế không hề lẻ loi, ngoài tổ chức chính quyền còn có các nhóm cộng đồng đồng hành cùng ngành Y tế. Do đó, trong thời gian tới, ngành Y tế rất mong sẽ có thêm nhiều nhóm cộng đồng cùng chung tay, giúp sức, tham gia cùng ngành Y tế trong việc hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Có như vậy khi sống chung với dịch bệnh chúng ta mới đảm bảo được 2 tiêu chí vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội”, bác sĩ Nay Phi La nhấn mạnh.
Hướng dẫn đo chỉ số spO2 đúng cách
Trong bối cảnh dịch diễn biến dịch phức tạp, F1 được cách ly tại nhà, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà là điều cần thiết, giảm áp lực và tình trạng quá tải ở các cơ sở cách ly, điều trị COVID-19. Ngoài ra, điều trị tại nhà còn tạo ra tâm lý lạc quan, thoải mái cho người bệnh, yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, cải thiện tình trạng sức khỏe./.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác