10/12/2021 11:54
Thực hiện kế hoạch bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bắt đầu từ sáng 10/12, tất cả các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh THCS.
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục rà soát, thống kê số lượng học sinh trong độ tuổi. Còn đối với trẻ trong độ tuổi 12 - 17 nhưng đã nghỉ học, ngành Y tế cũng phối hợp với các địa phương để rà soát, thống kê cụ thể. Trong 3 ngày (ngày 30/11 và ngày 1, 2/12), đã có trên 64.000 học sinh THPT và giáo dục nghề nghiệp được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Công tác tiêm chủng được triển khai an toàn, không ghi nhận trường hợp nào bị các phản ứng nặng sau tiêm.
Sau khi hoàn thành công tác tiêm chủng vắc xin đối với học sinh THPT, sáng 10/12, ngành y tế tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trên 128.000 học sinh cấp THCS trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận vắc xin Bộ Y tế cấp về, bắt đầu từ ngày 10/12, toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh THCS. Công tác tiêm chủng được thực hiện tại các trường, đảm bảo an toàn 5K và sẽ được thực hiện theo từng khối lớp, bắt đầu từ lớp 9, đến lớp 8, lớp 7 và lớp 6. Riêng với học sinh lớp 6 chỉ tiêm cho những trẻ đủ 12 tuổi trở lên. Dự kiến đến ngày 20/12, toàn bộ trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. “Lô vắc xin Pfizer sử dụng tiêm cho học sinh THCS lần này có hạn sử dụng hoàn toàn mới, không phải các lô vắc xin gia hạn như trước đây. Tuy nhiên, với loại vắc xin nào, trước khi đi tiêm phụ huynh nên cho trẻ ăn no, giữ sức khỏe một vài ngày trước khi tiêm chủng. Sau khi tiêm nên theo dõi sức khỏe của trẻ trong vòng 24-48 giờ, nếu trẻ có phản ứng bất thường cần liên lạc ngay với cán bộ tiêm chủng để xử lý kịp thời”, bác sĩ Trịnh Quang Trí chia sẻ.
Học sinh trường THCS Phạm Hồng Thái đảm bảo 5K trong quá trình tiêm chủng tại trường
Ghi nhận tại trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) cho thấy, trước khi diễn ra tiêm chủng, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất rất chu đáo như khử khuẩn toàn bộ trường học, nhất là các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như cổng trường, khu vệ sinh, khu vực hành lang hoặc khu tập trung đông học sinh; tổ chức 2 phòng tiêm, 4 phòng chờ sau tiêm đầy đủ theo yêu cầu của ngành y tế. Khu vực ngoài sân trường cũng được phân luồng, giãn cách học sinh bằng cách chia thời gian khung giờ cụ thể cho mỗi lớp và thực hiện đầy đủ 5K theo quy định. Cùng với đó, nhà trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh học sinh để tất cả các em đều tham gia tiêm chủng đầy đủ. Phó Hiệu trưởng trường THCS Phạm Hồng Thái Phạm Thị Dịu cho biết, ngày 10/12, nhà trường đã tổ chức tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho hơn 600 học sinh khối 8 và khối 9. Để chuẩn bị cho buổi tiêm hôm nay, nhà trường đã tổ chức công tác tuyên truyền cho phụ huynh học sinh thông qua các kênh Zalo, Facebook và phương tiện truyền thông khác để làm cho phụ huynh hiểu được việc tiêm phủ vắc xin là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, chỉ có tiêm phủ toàn bộ vắc xin thì mới đảm bảo an toàn cho học sinh khi các em trở lại trường học trực tiếp. Đồng thời, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Cùng với đó, nhà trường đã lập danh sách học sinh với đầy đủ các thông tin trạm y tế yêu cầu từ người giám hộ, số điện thoại, địa chỉ đến mã định danh… để học sinh đến tiêm được nhanh chóng, thuận lợi.
Các em học sinh được thăm khám trước tiêm
Bà Võ Thị Bông (trú tại 335/1A Y Jút, Phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột, có cháu ngoại đang là học sinh lớp 8G tại trường THCS Phạm Hồng Thái), chia sẻ: Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các bậc phụ huynh ai cũng lo lắng, nhất là đối với các cháu đang tuổi đến trường. Thế nên khi người lớn trong nhà đã được tiêm vắc xin, tôi rất mong các cấp chính quyền và nhà trường nhanh chóng tổ chức cho các cháu tiêm vắc xin phòng bệnh. Dù có phụ huynh vẫn chưa yên tâm do lo sợ ảnh hưởng của vắc xin đối với sức khỏe của con em mình, nhưng tôi tin rằng với sự chuẩn bị chu đáo, nhất là các đánh giá về mặt y tế của ngành chuyên môn thì việc triển khai tiêm vắc xin cho học sinh là giải pháp phù hợp trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Khi được thông báo tiêm, gia đình rất mừng. Trước khi đưa cháu đi tiêm tôi chuẩn bị cho cháu ăn uống đầy đủ, chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt để khi tiêm về nếu cháu sốt cao sẽ có thuốc dùng ngay để hạ sốt. Đồng thời tôi cũng mua thêm trái cây cho cháu ăn, vắt nước cam cho cháu uống để tăng cường vitamin, nâng cao sức để kháng.
Sau tiêm, học sinh được yêu cầu chờ 30 phút để theo dõi sức khỏe
Anh Cao Xuân Khiêm ( trú tại 181 Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) có con học tại lớp 9G, trường THCS Phạm Hồng Thái cũng cho biết, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tôi cũng có một chút lo lắng vì 2 vợ chồng đều đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, trong khi các con còn nhỏ, lại chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Tôi rất mong các con được tiêm vắc xin đầy đủ để có thể quay lại trường học trực tiếp, vì dù sao thì học trực tiếp ở trường sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với việc con học trực tuyến tại nhà. Mặc dù cũng có chút băn khoăn trước thông tin một số học sinh ở các địa phương khác bị phản ứng sốc sau khi tiêm, tuy nhiên khi được nhà trường thông báo lịch tiêm chủng 2 vợ chồng tôi đã thống nhất cho con đi tiêm để được bảo vệ bằng vắc xin trước dịch bệnh và sẽ theo dõi sức khỏe chặt chẽ cũng như chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho con sau khi đi tiêm về.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác