20/01/2022 09:34
Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao, trong đó nổi bật là tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 91,01%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 10,4 người; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,5 giường. Bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, ngành Y tế tập trung phòng chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng “dịch chồng dịch”. Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020. Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.
Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
Ngành Y tế đã thực hiện nhiệm vụ kép, đảm bảo an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới; tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng thuận lợi, kịp thời. Các chính sách nhằm đổi mới công tác dân số tiếp tục được hoàn thiện, duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh…
Đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, tính từ đầu dịch đến hết năm 2021, cả nước có hơn 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19, 32.394 ca tử vong. Tính đến ngày 13/1/2022, cả nước đã tiêm được 164,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số đích. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch COVID-19 để tăng tốc thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành thông qua các hoạt động thiết thực như áp dụng tờ khai y tế điện tử, xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám chữa bệnh từ xa; tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công…
Tại Đắk Lắk, năm 2021, ngành Y tế tỉnh đã bám sát và chủ động triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch và điều trị COVID-19, hạn chế thấp nhất tử vong, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID 19; đảm bảo việc thu dung, điều trị các ca bệnh nghi nhiễm COVID-19 và các dịch bệnh khác; các chương trình y tế, như phòng chống HIV/AIDS, phòng chống bệnh không lây nhiễm, an toàn thực phẩm, cung ứng thuốc vật tư y tế,… được duy trì đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch; công tác giám định y khoa, pháp y, kiểm tra chất lượng thuốc và mỹ phẩm, vận chuyển cấp cứu đáp ứng 100% nhu cầu người dân; công tác hiến máu nhân đạo đạt 91,2%...
Năm 2022, ngành Y tế tập trung phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có khả năng thích ứng và sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; phấn đấu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 92%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 9,4 người; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,5 giường; tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng COVID-19…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những thành tích mà toàn ngành đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời đề nghị trong năm 2022, ngành Y tế cần bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19; triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, đồng thời tổ chức tiêm an toàn, hiệu quả; đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong; thống nhất biện pháp phòng chống dịch trên toàn quốc, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch cho người dân…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch COVID-19; chú trọng chất lượng nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phát triển nhanh ngành dược, y dược cổ truyền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...; xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, người lao động vững về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác…
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác