25/01/2022 11:00
Chăm sóc bệnh nhân trong mùa dịch COVID-19 có nhiều khó khăn, chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại cơ sở y tế còn khó khăn hơn vì phải đảm bảo an toàn tuyệt đối để phòng tránh COVID-19 cho bệnh nhân.Từ việc quản lý; khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe; đặt lịch hẹn và chia nhóm theo ca chạy máy... được các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên duy trì đều đặn hàng ngày.
Những giải pháp nhằm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo luôn được đề ra trong kế hoạch hàng ngày, hàng tuần của khoa Thận nhân tạo - Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Bởi, hơn ai hết, các bác sĩ rất thấu hiểu nỗi lo lắng của bệnh nhân nếu bị nhiễm COVID-19, bởi bản thân họ đang mang bệnh nền nguy hiểm.
Kết thúc ca chạy lọc máu đầu giờ sáng từ 6 giờ 30 phút - 10 giờ 30 phút, chuẩn bị cho ca hai, điều dưỡng trực gọi từng tốp 5 bệnh nhân vào làm thủ tục. Lần lượt từng bệnh nhân rửa tay kỹ tại bồn rửa tay bố trí phía trước hành lang khoa; sát khuẩn tay nhanh; thay đồ đồng phục bệnh nhân. Quy trình 3 vòng kiểm soát nghiêm ngặt bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại khu đơn nguyên thận nhân tạo, khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên được thiết lập ngay đầu mùa dịch COVID-19.
Bệnh viện đã làm tất cả để người bệnh được chăm sóc, điều trị trong điều kiện tốt nhất
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt - Trưởng khoa hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo có nhiều thời gian sinh sống trong cộng đồng ngoài sự kiểm soát của bệnh viện và tiếp xúc với nhiều nguồn dịch tễ khác nhau, song họ cũng lại có đến 16 giờ mỗi tuần tiếp xúc với nhân viên y tế và bệnh nhân khác trong bệnh viện. Chưa kể, họ có nhiều bệnh nền, đối tượng có nguy cơ cao chuyển biến nặng nếu nhiễm COVID-19. Tại đơn vị thận nhân tạo, các bệnh nhân đang được bảo vệ tối đa bằng nhiều biện pháp, toàn bộ bệnh nhân được lập danh sách và quản lý hằng ngày. Tại buồng bệnh, duy nhất chỉ có bệnh nhân được vào.
Bảy năm nay, đều đặn các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần, bệnh nhân Phan Thành Lộc, sinh năm 1997 ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để lọc máu. Trong quá trình chạy thận, anh được các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sức khỏe liên tục; đồng thời tư vấn, dặn dò cách phòng, chống dịch COVID-19 khi ở viện cũng như khi về nhà, tránh tiếp xúc với người khác, không ra khỏi nhà khi không cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Mới 24 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Hà Phương, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đã có gần 5 năm chạy thận. Căn bệnh suy thận đã cướp đi của chị nhiều thứ, ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ và nhất là sức khỏe. Một tuần 3 lần, chị Phương phải có mặt tại bệnh viện để chạy thận. Chị Phương cho biết, thời gian trước, chị chạy thận xong là đón xe về nhà, nay do dịch COVID-19 đi lại khó khăn nên gần cả năm nay chị phải thuê nhà trọ gần bệnh viện để tiện cho việc đi lại. Hàng ngày chị xin cơm từ thiện ăn hoặc mua ít gạo dành nấu ăn dần. Vì sức khỏe yếu không tìm được việc làm phù hợp, thu nhập không có, gia đình cũng là hộ nghèo, anh chị em đều khó khăn nên không ai giúp đỡ gì được.
Đơn vị Thận nhân tạo - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên hoạt động từ năm 2008 đến nay. Đơn vị hiện có 22 máy lọc thận, 18 cán bộ y tế. Máy lọc máu chạy liên tục 4 đến 5 ca/ngày (mỗi ca khoảng 4 tiếng), một lần lọc thường 22-23 người, bình quân 100 bệnh nhân mỗi ngày. Hầu hết các bệnh nhân đều chạy thận 3 lần trong tuần nên cứ cách một ngày là họ lại phải có mặt tại bệnh viện để điều trị. Những bệnh nhân ở gần thì thuận lợi hơn còn những người ở xa thì việc đi lại để chạy thận cũng là một hành trình vất vả, gian truân nhất là trong mùa dịch COVID-19.
Các bệnh nhân đang được bảo vệ tối đa bằng nhiều biện pháp
Bắt đầu từ khi xuất hiện dịch COVID-19, Bệnh viện đã có phương án để đảm bảo sức khỏe người bệnh như sắp xếp lại cơ sở hạ tầng, phân loại bệnh nhân như bệnh nhân sau điều trị COVID-19 khỏe lại, bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân mới về từ các tỉnh, thành, đều được đưa vào phòng cách ly tại khoa để tầm soát, kết quả âm tính với SARS-CoV-2 cũng phải bố trí chạy lọc máu ca cuối ngày. Trường hợp từ vùng có dịch COVID-19 về, được đưa vào khu điều trị cách ly (khoa Truyền nhiễm) của bệnh viện để tầm soát, kết quả âm tính SARS-CoV-2 mới được đưa trở lại đơn vị thận nhân tạo của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để chạy ca cuối ngày.
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đã làm tất cả để người bệnh được chăm sóc, điều trị trong điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn cao nhất có thể. Mong cộng đồng, mọi người dân cùng chung tay với Chính phủ và ngành Y tế đảm bảo thực hiện nghiêm thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” để dịch COVID-19 sớm đẩy lùi, cả nước cùng hân hoan đón Xuân về.
Bài, ảnh: Kim Oanh – Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác