29/01/2022 10:18
Vào “trận tuyến” phòng chống dịch COVID-19 ắt hẳn sẽ không tránh khỏi những hiểm nguy, đặc biệt đối với các y bác sĩ nơi tuyến đầu. Song, bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, những “chiến binh” ấy vẫn thầm lặng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nỗ lực cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nhất là khi Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - tầng cuối trong quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động cũng là chừng đó thời gian bác sĩ Nguyễn Hùng Cường, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc cùng đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân vào viện ngày một tăng lên, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng vốn đã vất vả, trong khi đó đa số bệnh nhân đều kèm theo nhiều bệnh lý nền khiến công việc của bác sĩ Cường và các đồng nghiệp thêm vất vả bội phần, từ việc theo dõi sát sao bệnh lý, chăm sóc người bệnh từng li, từng tí cả về dinh dưỡng lẫn thuốc men, cho đến tất tả “ngược xuôi” cấp cứu, chạy ECMO (tim, phổi nhân tạo) khi bệnh nhân nguy kịch, nhiều bữa đã 0 giờ vẫn chưa kịp ăn bữa tối. Các đợt điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 cứ liên tiếp nhau, bác sĩ Cường và các đồng nghiệp phải chia thành 2 tua, mỗi tua trực liên tục trong 24 giờ mới thay ca. Mặc dù được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ chuyên dụng từ đầu đến chân, kiểm tra đủ độ an toàn mới vào chăm sóc bệnh nhân, nhưng chẳng ai dám chắc, bệnh dịch không lây lan cho mình, bởi họ đều là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh cũng như ăn uống, sinh hoạt tại khoa hàng tháng trời...
Bác sĩ Cường chia sẻ, đối với những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chúng tôi hiểu rõ đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh rất có thể xảy ra. Nhưng đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng được tăng cường làm việc tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng luôn nâng cao tinh thần, ý thức phục vụ, thực hiện đúng quy trình chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nỗ lực không để vi rút SARS-CoV-2 lây nhiễm cho bản thân và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. “Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, có lo lắng không, đúng là mệt và có lo lắng chứ vì ngày ngày đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh, rồi lại còn hàng tháng trời không về nhà, mọi sinh hoạt đều gói gọn ở trong khu điều trị. Mệt, lo, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em chúng tôi luôn sẵn sàng với một quyết tâm cùng chung sức chiến thắng đại dịch” – bác sĩ Cường bộc bạch.
Nói về những ngày điều trị bệnh nhân, bác sĩ Cường đầy cảm xúc. Anh kể: “Khi chứng kiến bệnh nhân tử vong, chúng tôi buồn lắm, cả ê kíp bỏ bao tâm huyết, chăm sóc bệnh nhân từng tí, hy vọng bệnh nhân có thể vượt qua. Thế nhưng nhiều trường hợp do tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh lý nền lại chưa tiêm vắc xin nên “đầu hàng” trước bệnh tật. Với mỗi trường hợp như thế, chúng tôi luôn là người trực tiếp làm vệ sinh, thay quần áo cho người bệnh và xử lý thi hài theo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách chặt chẽ. Đau lòng nhất là lúc báo tin cho gia đình người bệnh, bởi người thân của họ không thể gặp mặt lần cuối, nhiều gia đình cả nhà là F0, thậm chí có gia đình có tới mấy người thân đều tử vong do COVID nên càng thêm đau đớn”.
Ngoài những cảm xúc buồn bã là những giây phút vui mừng khi tận mắt chứng kiến người bệnh hồi phục từng ngày. Mỗi một bệnh nhân xuất viện trở về cùng gia đình là một lần mang đến niềm vui cho bác sĩ Cường và đồng nghiệp. Bởi việc chấp nhận cách ly trong khoảng thời gian khá dài, xa người thân, gia đình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy cơ cao đã được đền đáp khi có những bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn. Cảm xúc ấy càng được nhân lên bội phần khi người bệnh rơi vào nguy kịch được anh và các đồng nghiệp cứu chữa, bình phục như trường hợp của bệnh nhân số 3836 – bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đầu tiên của Đắk Lắk. Đây là niềm vui và sự tự hào hơn cả đối với cá nhân bác sĩ Cường nói riêng và các anh chị em đồng nghiệp nói chung khi tiếp nhận nhiệm vụ “chiến đấu” với dịch COVID-19.
Có lẽ, năm 2021 là khoảng thời gian để lại cho chị Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1982), điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333 (huyện Ea Kar) nhiều cung bậc cảm xúc nhất trong hơn 15 năm gắn bó với nghề khi trực tiếp nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện.
Sau khi Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333 được chuyển công năng sang điều trị bệnh nhân COVID-19, giữa tháng 8, chị Thanh được phân công cùng kíp trực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân COVID-19, một bệnh truyền nhiễm hoàn toàn mới, nên khó tránh khỏi những lo lắng, hồi hộp. Nhà chỉ hai vợ chồng, nội ngoại đều ở tận các tỉnh miền Trung, chồng công tác trong quân đội, cũng trực tiếp tham gia chống dịch nên mỗi kíp trực (21 ngày) 2 con chị phải gửi hàng xóm chăm sóc. Chị trải lòng, may mắn với chị là dù 2 con con nhỏ (đứa đầu năm nay 11 tuổi, đứa thứ 2 mới 6 tuổi), nhưng rất ngoan ngoãn, nghe lời – là động lực để chị vững tâm làm nhiệm vụ. Mỗi lần nhớ con, chị chỉ có thể tranh thủ trong giờ ăn, giờ chuẩn bị đi ngủ để gọi điện về hỏi han sinh hoạt hàng ngày của các con qua điện thoại.
Là một điều dưỡng, hàng ngày chị Thanh làm nhiệm vụ phát thuốc, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, chăm lo từng bữa ăn cho bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện. Trong số các bệnh nhân, có lẽ trường hợp ông H.M. (84 tuổi, ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) là để lại những kỷ niệm khó quên nhất với chị. Do thời gian điều trị kéo dài, nhớ con, nhớ cháu nên dù chưa đủ điều kiện để xuất viện nhưng bệnh nhân này một mực đòi về nhà. Nắm bắt tâm lý người bệnh, coi ông như người nhà, hàng ngày ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, chị còn động viên, thuyết phục để bệnh nhân hiểu rõ việc chưa khỏi bệnh mà về nhà thì sẽ gây nguy hiểm cho những người thân xung quanh mình. Từ những lời tâm sự ân cần, gần gũi của chị và cả những bệnh nhân cùng phòng, dần dần ông hiểu ra và thực hiện đúng các quy định về quy trình sinh hoạt, điều trị bệnh COVID-19, nhờ vậy sức khỏe bình phục nhanh. Ngày ông M. được xuất viện trở về với gia đình, chị Thanh cũng rưng rưng nước mắt – giọt nước mắt hạnh phúc của người thầy thuốc khi hoàn thành nhiệm vụ giúp người bệnh điều trị khỏi, hồi phục sức khỏe.
Theo bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế, “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 như ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, trực tiếp tiếp xúc, truy vết, theo dõi, chăm sóc và điều trị cho người bệnh, người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người về từ vùng dịch và các đối tượng có nguy cơ, các bác sĩ, nhân viên y tế luôn phải đối diện với nhiều áp lực và rủi ro bị lây nhiễm bệnh. Nhưng vượt lên trên những khó khăn, sợ hãi của bản thân, họ vẫn lặng lẽ cống hiến, hy sinh, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác