13/02/2022 11:22
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong những tuần đầu tiên sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình 1 ngày toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc COVID-19, tăng so với trước Tết Nguyên đán. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, tức hơn 1 tháng vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận gần 6.000 trường hợp mắc COVID-19 và 25 trường hợp tử vong. Với chủ trương thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 7/2/2022 tất cả các bậc học từ mầm non, mẫu giáo đến bậc tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học đều triển khai đồng loạt học tập trung tại trường. Việc tập trung tại trường trong thời điểm các ca bệnh COVID-19 vẫn liên tục tăng, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ cao, đặc biệt là trong nhóm tuổi dưới 11 khi chưa được tiêm vắc xin. Do đó, phụ huynh, học sinh và nhà trường cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm bệnh trong trường học.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Hiện nay, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, ngoài thông điệp 5K, chúng ta có vắc xin và thuốc chữa COVID-19. Nhưng thuốc chữa COVID-19 thì chỉ dành cho độ tuổi trên 18 tuổi, còn ở độ tuổi dưới 18 thì chỉ có vắc xin chứ chưa có thuốc điều trị. Do đó, điều quan trọng nhất đối với học sinh là thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khi đến trường nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm COVID-19.
Bác sĩ Trí cho hay: hiện ở bậc tiểu học và mầm non, việc đeo khẩu trang hầu như chưa thực hành đúng, do vậy sẽ rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sắp đến. Vì vậy, các trường học, đặc biệt là các bậc học tiểu học, mẫu giáo, mầm non cần phải đảm bảo giáo viên, nhân viên phục vụ đều đã được tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19 và không nhiễm COVID-19 trong quá trình chăm sóc trẻ. Giáo viên chủ nhiệm của các trường cần thường xuyên theo dõi trẻ khi có những biểu hiện sốt, ho hoặc có những biểu hiện về đường hô hấp thì phải xét nghiệm kịp thời để phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm, đồng thời cần phải giữ mối liên lạc giữa nhà trường và gia đình chặt chẽ để phối hợp trong công tác phòng chống dịch.
Về khẩu trang: do không phải là nhân viên y tế nên học sinh không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang N95 hoặc những loại khẩu trang y tế quá kín gây khó thở trong suốt quá trình học tập mà chỉ cần sử dụng những loại khẩu trang y tế thông thường hoặc là khẩu trang vải phù hợp với khuôn mặt cũng như kích cỡ khuôn mặt. Nên duy trì đeo khẩu trang trong suốt thời gian học tập. Đối với những học sinh trung học cơ sở, phổ thông trung học, ở độ tuổi này, học sinh đã đủ ý thức thực hành đeo khẩu trang đúng cách để phòng chống dịch, đồng thời nhóm tuổi này cũng đã tiêm vắc xin rồi nên nguy cơ lây nhiễm trong nhóm này cũng thấp hơn.
Ngoài ra, các trường học cũng nên chuẩn bị khẩu trang y tế dự phòng để học sinh trong quá trình di chuyển hoặc khi ho, hắt hơi, làm rơi rớt khẩu trang thì phải cấp khẩu trang mới. Giáo viên chủ nhiệm nên tuyên truyền, hướng dẫn lại cho học sinh quy trình rửa tay .v.v…Hoặc có thể hướng dẫn phụ huynh trang bị dung dịch sát khuẩn tay với nồng độ cồn tối thiểu 60% để có thể tiêu diệt các mầm bệnh trên bàn tay.
Các bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học ( Theo Bộ Y tế). Đồ hoạ: Quang Nhật
Về khoảng cách: trong lớp học, việc giữ khoảng cách tối thiểu 1m rất khó, do vậy học sinh cần chấp nhận ngồi trong lớp học theo đúng vị trí và khi ra khỏi lớp học nên giãn cách tối thiểu 1 m để làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nếu có.
Về khai báo y tế. Hiện nay, các cháu đi học chưa có những phương tiện để khai báo y tế, do đó các trường cần hướng dẫn, duy trì cho học sinh ghi nhật ký hằng ngày hoặc lịch trình hằng ngày của mình nếu có những vấn đề nhiễm COVID-19 hoặc nghi ngờ thì có thể thông báo với phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm để dễ dàng cho việc truy vết.
Dịch COVID-19 lây qua đường hô hấp qua các giọt bắn hoặc giọt khí dung lơ lửng trong không khí, do vậy, các lớp học nên để không khí thoáng càng nhiều càng tốt, mở cửa sổ, bật quạt để làm khí lưu thông, nếu có vi rút cũng làm phân tán và giảm nồng độ vi rút, từ đó làm giảm nguồn lây. Hạn chế dùng máy lạnh. Cần vệ sinh bàn ghế, lớp học, lối đi hàng ngày. Có thể sử dụng chất sát khuẩn, lau sàn thông thường và lau tất cả các bề mặt. Nếu có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nên sử dụng các hóa chất chứa flo để phun trên các bề mặt trong không gian kín. Đặc biệt, các trường nên có khu cách ly tạm thời nếu có trường hợp nghi nhiễm. Và nên tập huấn lại cho giáo viên cũng như các y tế học đường để thực hiện xét nghiệm test nhanh cho học sinh. Đối với những trường hợp học sinh đi xe đưa đón, trong suốt quá trình di chuyển, tất cả học sinh phải đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chúng ta không thể nào làm xét nghiệm cho toàn bộ tất cả các học sinh tham gia đi học vì như thế sẽ gây tốn kém nguồn lực, chi phí rất lớn. Vì vậy, đối với các bậc học mẫu giáo, mầm non không nên xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho các cháu mà nên xét nghiệm test nhanh cho giáo viên, người chăm sóc trẻ ít nhất 1 tuần 1 lần. Có thể làm mẫu đơn hoặc mẫu gộp để đảm bảo các thầy, cô giáo hoặc những người phục vụ phải âm tính để không lây bệnh cho các cháu. Còn đối với những bậc học lớn hơn, như bậc tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học thì nếu các trường học có điều kiện cũng nên xét nghiệm định kỳ cho lực lượng giáo viên cũng như người phục vụ trong trường. Đối với những lớp học bán trú, nội trú trường cần có chiến lược xét nghiệm phù hợp để khống chế các trường hợp mắc bệnh, không để lây lan. Với trường hợp xác định F0, cần thực hiện cách ly, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây lan ảnh hưởng giữa lớp này với lớp khác./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác