16/02/2022 10:49
Từ ngày 14/2, tất cả các học sinh trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng bắt đầu trở lại trường học trực tiếp. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành Y tế tỉnh nhà đã chủ động phối hợp triển khai nhiều phương án để bảo đảm các điều kiện an toàn khi mở cửa lại trường học, không để xảy ra tình trạng học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến.
Đưa con trở lại trường mẫu giáo sau khi nghỉ một thời gian do dịch COVID-19, chị Nguyễn Lan Anh (trú tại phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) không khỏi lo lắng: Những ngày sau tết tôi thấy số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng cao đột biến, trường học mở cửa trở lại trong khi lứa tuổi mầm non như con tôi chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 khiến tôi rất lo lắng. Tôi hi vọng nhanh chóng có vắc xin phòng bệnh để tiêm cho trẻ, đồng thời mong mỗi người dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện 5K để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn cho các bé.
Sẵn sàng các phương án tiếp đón học sinh, hướng dẫn thực hiện phân luồng khi đến trường
Theo bác sĩ CKII Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk: Từ sau Tết Nguyên đán 2022, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao, đỉnh điểm có ngày hơn 380 trường hợp mắc bệnh. Đây là con số ngành Y tế đã dự đoán trước, bởi giai đoạn trước, trong và sau Tết việc đi lại thăm hỏi chúc tết, vui, thực hiện khẩu trang sẽ không nghiêm túc, bên cạnh đó, mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng như mũi 3 nhưng sự chủ quan của người dân cũng như sự buông lỏng quản lý của một số địa phương sẽ làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh trong cộng đồng. Trên cơ sở đó, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 rà soát, đánh giá nguy cơ, đặc biệt tại các trường học và cơ quan, đơn vị, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị phải lập tổ COVID-19 đánh giá nguy cơ cũng như xét nghiệm, thực hiện nghiêm túc 5K để giảm số ca F0 trong thời điểm này. Sau khi có chủ trương mở cửa lại các trường học, Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh xây dựng kế hoạch cũng như thống kê số lượng học sinh trên địa bàn để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ ngay khi có vắc xin phân bổ cho tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã chủ động tham mưu cho các trường học tiến hành tổng vệ sinh cũng như xây dựng kế hoạch tiếp đón học sinh, hướng dẫn thực hiện phân luồng khi đến trường và khi ra về, thực hiện 5K và xây dựng các kế hoạch cụ thể, xử lý tình huống khi có học sinh, giáo viên hoặc phụ huynh mắc COVID-19 bằng cách tiến hành cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng ngay tại trường, lớp học để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong trường học. “Để tránh việc giáo viên lúng túng khi có trường hợp học sinh mắc COVID-19, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Giáo dục tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học và các hướng xử lý, khoanh vùng đối với học sinh khi mắc COVID-19 tại trường học. Các lớp tập huấn sẽ do các giảng viên là các y, bác sĩ, đặc biệt là các y, bác sĩ về dịch tễ học và điều trị giảng dạy”, bác sĩ Nay Phi La nhấn mạnh.
Tính đến ngày 15/2, số trẻ em từ 15-17 tuổi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được tiêm mũi 1 đạt 97,3%, mũi 2 đạt 89,8%; số trẻ em từ 12-14 tuổi tiêm mũi 1 đạt 94,5%, mũi 2 đạt 85,1%. Hiện tỉnh đang lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vắc xin, khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi có lịch tiêm.
Học sinh thực hiện khử khuẩn, đo nhiệt độ khi đến trường
Hiện nay, do đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn khiến trẻ em dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa và COVID-19 khi tham gia các hoạt động tập trung. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên. Bên cạnh đó cần chú ý vệ sinh bàn tay cho trẻ; Sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác. Đồng thời hướng dẫn, tập luyện thường xuyên các biện pháp phòng chống cho trẻ; hướng dẫn trẻ để rác thải đúng nơi quy định. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, khi trẻ không may bị mắc COVID-19, bố mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ bằng cách quan sát nhịp thở của trẻ. Với trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường < 60 lần/phút; Trẻ 2 tháng - 12 tháng nhịp thở bình thường < 50 lần/phút; Trẻ > 12 tháng nhịp thở bình thường < 40 lần/phút; Trẻ > 5 tuổi thở nhanh khi > 30 lần/phút; Trẻ > 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn. Khi điều trị ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc: Hạ sốt; Bù nước điện giải; Có thể bổ sung Vitamin tổng hợp; Thuốc điều trị ngạt tắc mũi; Thuốc ho. Cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế, tuyệt đối không nên cho trẻ tự uống thuốc khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bài: Mai Lê; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác