24/02/2022 09:30
Là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân lao, thế nhưng, ngay từ những ngày dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã chuyển đổi công năng thành bệnh viện tầng 2, thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị và theo dõi bệnh nhân nhiễm COVID-19. Suốt thời gian qua, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã nỗ lực hết mình, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm tận lực chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn tính mạng cho các bệnh nhân. Qua đó, góp phần nâng cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 22/2, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 24.469 bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt, những ngày sau dịp Tết Nguyên đán, số ca bệnh tăng cao đột biến, có ngày trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.200 bệnh nhân mắc bệnh. Trước việc gia tăng quá nhanh số ca bệnh trong cộng đồng dẫn đến quá tải cho các đơn vị điều trị, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đang căng mình ngày đêm để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Bác sĩ Châu Đương – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, từ tháng 5/2021, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã chuyển hoàn toàn công năng thành Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Kể từ thời gian đó đến nay, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng và có bệnh lý nền. Đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho hơn 1.300 bệnh nhân. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân, Bệnh viện luôn đề cao tinh thần tận tâm, tận tình trong quá trình bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện. Tất cả các bệnh nhân đều được theo dõi sát sao sức khỏe mỗi ngày, Bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật dịch vụ xét nghiệm, được trang bị hệ thống điều trị trung tâm cũng như các thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nhờ đó, bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị tốt nhất. Bệnh viện không chỉ chăm sóc về sức khỏe thể chất mà còn chăm lo về sức khỏe tinh thần cho người bệnh vì các F0 không có người nhà bên cạnh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế luôn quyết tâm cao nhất trong thực hiện điều trị cho bệnh nhân để bệnh chuyển biến ngày càng tốt hơn và khỏi bệnh. Điển hình có bệnh nhân 91 tuổi, sức khỏe yếu lại không có người thân nên hầu hết các sinh hoạt, chăm sóc bệnh nhân đều do cán bộ y tế của bệnh viện thực hiện. Rất vui mừng là sau một tháng điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh và được xuất viện…
Bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị tốt nhất
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã được sửa chữa lại khang trang, sạch đẹp với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho quá trình điều trị bệnh nhân. Về nhân lực, Bệnh viện đã tích cực đào tạo, hướng dẫn, tập huấn, cho đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là một trong những đơn vị có khả năng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 rất tốt. Nhờ đó mà số bệnh nhân tử vong chiếm tỷ lệ rất thấp, số bệnh nhân chuyển nặng chuyển lên tầng 3 chưa tới 100 bệnh nhân. “Hiện nay, nhân lực của Bệnh viện khoảng 95 người bao gồm toàn bộ các y, bác sĩ, điều dưỡng…trong đó, có 50 cán bộ viên chức đủ năng lực tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 được chia thành 3 kip gồm 1 kip điều trị trực tiếp, 1 kip cách ly và 1 kip dự phòng. Với nguồn nhân lực như vậy trong tình hình giai đoạn bệnh nhân gia tăng như hiện nay, mặc dù theo quy định Bệnh viện chỉ có 100 giường bệnh, nhưng có thời điểm Bệnh viện quá tải, tiếp nhận hơn 130 giường bệnh. Điều này khiến cho Bệnh viện gặp nhiều áp lực, các cán bộ y tế làm việc rất vất vả. Tuy nhiên, với tinh thần và trách nhiệm luôn hết lòng vì bệnh nhân, tất cả cán bộ, nhân viên của Bệnh viện luôn luôn sẵn sàng cống hiến, đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân một cách tốt nhất”, bác sĩ Châu Đương chia sẻ.
Trực tiếp thực hiện công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Y Piare Bkrông, tâm sự: “Lúc đầu nhận nhiệm vụ, tôi cũng có nhiều lo lắng vì đây là loại bệnh hết sức nguy hiểm và khả năng lây lan cao. Thế nhưng, mang trên vai trọng trách đó là điều trị cho bệnh nhân, bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân, với suy nghĩ đó tôi càng có thêm động lực để tham gia công tác. Thế rồi cũng quen dần với công việc. Công tác thăm khám, điều trị bệnh nhân COVID-19 vất vả hơn nhiều so với các bệnh nhân khác. Vì thường ngày chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ trong 6 tiếng liền nên không tránh khỏi mệt mỏi, khó chịu. Là các bệnh nhân mắc COVID-19 ở tầng 2, có các triệu chứng và bệnh lý nền, đa số là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, có nhiều bệnh nhân quá trình điều trị không hợp tác với bác sĩ khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn, thời gian thăm khám sẽ kéo dài hơn. Ngoài công việc theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân, chúng tôi cũng thường xuyên xuống các buồng bệnh chia sẻ, động viên các bệnh nhân nỗ lực vượt qua bệnh tật, sớm trở về sum họp với gia đình. Tại thời điểm này, khi số ca bệnh gia tăng, công việc của chúng tôi cực kỳ vất vả và áp lực. Có lẽ càng vất vả tôi càng trân quý cuộc sống này, thời gian tiếp xúc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 là quãng thời gian khó quên nhất. Tôi luôn tự hứa sẽ càng cố gắng hơn nữa, cùng đội ngũ y, bác sỹ tại bệnh viên nỗ lực làm tốt công tác điều trị cho bệnh nhân”.
Còn đối với điều dưỡng Lê Thị Bình, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội II Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, những ngày tham gia công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với chị. Là một người mẹ, người vợ với 2 đứa con nhỏ, chồng cũng tham gia công tác phòng, chống dịch, do đó, các con của chị thường xuyên ở vào cảnh không có cha mẹ ở bên chăm sóc, kèm cặp. “Biết là vất vả nhưng ngay từ đầu, bản thân tôi cùng các anh chị em đồng nghiệp luôn xác định tinh thần cố gắng hết mình vì bệnh nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công việc của chúng tôi hàng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 22 giờ đêm, những đợt bệnh nhân cao điểm thì công việc sẽ kết thúc vào khoảng 1, 2 giờ sáng hôm sau. Thực sự công việc rất áp lực, nguồn nhân lực thiếu, có bác sĩ vì ra vào buồng bệnh nhân liên tục, mồ hôi nhễ nhại vì đồ bảo hộ nhưng phải tắm rửa nhiều lần dẫn đến cảm, sốt. Mặc dù lo lắng vì sự lây lan của bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân, vất vả vì công việc quá tải, nhưng chúng tôi luôn một lòng đoàn kết, luôn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời để công việc đạt kêt quả thật tốt.
Với sứ mệnh cao cả, tập thể cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã và đang nỗ lực, cố gắng hết mình, để chăm sóc cứu chữa người bệnh, tất cả vì mục tiêu góp phần hạn chế thấp nhất số ca tử vong, sớm ngăn chặn và kiểm soát thành công dịch bệnh.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác