01/03/2022 06:36
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, những người từng nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái phát nhiều lần và không phải không có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng người nhiễm. Thế nhưng nhiều người hiện nay tự đưa ra quan điểm “rồi ai cũng phải bị COVID-19 một lần, bị rồi bị lại sẽ nhẹ hơn”. Đây là quan điểm hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng nhanh. Trước tết, trung bình một ngày ghi nhận từ 200 đến 300 ca, sau Tết, đặc biệt là đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày ghi nhận trên 2.000 ca. Hiện nay, các F0 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nếu có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng khi mắc COVID-19 được tự cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có nhiều F0 không khai báo y tế, do đó rất khó khăn để thống kê ca nhiễm cụ thể, từng nhiễm hoặc tái nhiễm. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế đã có không ít trường hợp tái nhiễm kể từ khi được công bố khỏi bệnh.
Nghiêm túc tuân thủ 5K để phòng chống dịch COVID-19 lây lan mạnh
Đáng lo ngại, hiện nay nhiều người nghĩ mình đã tiêm đủ 2 đến 3 mũi vắc xin ngừa COVID-19 hoặc từng nhiễm COVID-19 thì sẽ không nhiễm nữa hoặc nếu có nhiễm triệu chứng cũng sẽ nhẹ nên có phần lơ là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Những ngày gần đây, anh T.D.L (phường Ea Tam, Tp. Buôn Ma Thuột) có cảm giác đau họng và sổ mũi…nhưng anh T chỉ nghĩ do thời tiết thay đổi, gió lạnh vào chiều tối và sáng sớm nên có khả năng bị cảm cúm. Nghĩ vậy nhưng anh T vẫn mua test nhanh kháng nguyên COVID-19 về thử thì cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây cũng là lần thứ 2 anh T bị nhiễm COVID-19 chỉ trong vòng chưa đầy 7 tháng. Trước đó, vào tháng 8 năm 2021, anh T đã bị nhiễm COVID-19 từ một người bạn. Lúc đó, anh T chỉ mới tiêm được 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 nhưng anh vẫn vượt qua được sau 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, anh T đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. “Lần đầu nhiễm COVID-19 tôi bị sốt và ho nhiều lắm nhưng lần này chỉ sổ mũi nhẹ, giống cảm cúm cho nên tôi không nghĩ mình lại tái nhiễm nếu không làm test nhanh. Tuy lần tái nhiễm này không gây cho tôi khó chịu nhiều như lần đầu, nhưng giờ tôi thấy hay đau đầu, mất ngủ thường xuyên, ăn uống không ngon miệng như trước”. Anh T bộc bạch.
Không như anh T, chị T.T.A (huyện CưM’gar) cũng vừa bị tái nhiễm COVID-19 sau khi điều trị khỏi COVID-19 vào tháng 10 năm 2021. Chị cho hay: “Lần đầu hay lần thứ hai nhiễm COVID-19 tôi đều bị sốt cao, mệt lả người, cảm giác không còn sức lực để lao động. Sau lần đầu mắc bệnh, cho dù có bổ sung, tăng cường dinh dưỡng bao nhiêu đi nữa tôi thấy sức khỏe vẫn không được như lúc chưa mắc bệnh. Do vậy, tôi nghĩ mọi người nên tự bảo vệ sức khỏe mình, không mắc bệnh là một điều rất may mắn”.
Vào cuối tháng 12 năm 2021, WHO khẳng định đã ghi nhận tình trạng tái nhiễm SARS-CoV-2 nhiều hơn 1 lần trên cùng một chủng loại hoặc khác chủng ở bệnh nhân COVID-19 được cho là đã khỏi bệnh tại nhiều quốc gia. Đồng thời, WHO cảnh báo các nước không nên lơ là công tác phòng chống dịch trước làn sóng biến chủng mới của COVID-19 Omicron.
Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp bệnh nhân miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài. Ngoài ra, mức độ sinh kháng thể được sinh ra sau khi nhiễm bệnh không đủ để bảo vệ cơ thể nên vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Phần lớn các ca tái nhiễm nếu đã được tiêm vắc xin thì thường ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng ở một số bệnh nhân vẫn có thể trở nên trầm trọng hơn nếu các vi rút này xâm nhập vào phổi khi cơ thể không đủ khả năng để chống lại.
Do đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân: những người đã nhiễm COVID-19 vẫn phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, kể cả liều tăng cường để bảo vệ mình và cộng đồng, đồng thời vẫn phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế: đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập…để ngăn chặn dịch lây lan mạnh trong cộng đồng. /.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh-Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác