05/03/2022 03:29
Gần đây, với lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19, nhiều người khá lo lắng nên đã tự mua test nhanh COVID-19 để kiểm tra bản thân có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Việc test nhanh là nhu cầu chính đáng nhưng các chuyên gia y tế đã phân tích, mỗi người dân cần định hình một tâm thế mới, ngay cả khi tiếp xúc gần với F0, không cần test ngay mà chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng, nhằm tránh lãng phí.
Anh N.P.V làm việc tại một cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Từ sau dịp tết Nguyên Đán, số mắc COVID-19 tăng mạnh, xung quanh anh V. toàn những người F1, F0. Thế nên anh V. đã đặt mua 50 kít test nhanh COVID-19 về test hàng ngày cho những người thân trong gia đình. Mỗi lần test cho người thân, do không thận trọng nên có hôm thì làm chảy máu mũi, có hôm đứa con gái út 3 tuổi phải khóc thét lên vì đau. Nhưng vì để cho yên tâm, anh V. vẫn tiếp tục test hàng ngày.
Không nên thường xuyên test nhanh COVID-19 mà chỉ nên test nhanh khi có triệu chứng nhằm phòng ngừa cho những người xung quanh
Tương tự, chị T.T.H (thành phố Buôn Ma Thuột) là tiểu thương tại chợ lớn Buôn Ma Thuột. Với tâm trạng lo lắng chung vì dịch bệnh, cứ 2 ngày 1 lần, chị H. đều test nhanh cho toàn bộ người thân trong nhà. “Do ở trong môi trường thường xuyên tiếp xúc nhiều người, thế nên trong nhà tôi lúc nào cũng dự phòng kít test nhanh COVID-19 để test cho người thân. Giờ ra ngoài đường F0 nhiều hơn cả F1, thế nên dù có tốn kém tôi cũng thực hiện để cho yên tâm”, chị H. cho hay.
Hiện nay, trước tình hình F0 tăng cao trong cộng đồng khiến người dân lo lắng bản thân bị lây nhiễm sau khi tiếp xúc ca bệnh. Từ tâm lý này, nhiều người test nhanh ngay khi tiếp xúc F0 hoặc test liên tiếp nhiều ngày. Việc sử dụng kit test không hợp lý dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng, hàng bị đẩy giá lên cao. Hiện nay, kit test nhanh có nhiều giá khác nhau, tùy xuất xứ. Trong đó, kit BioCredit test của Hàn Quốc có nơi bán 80 nghìn đồng/bộ, có nơi bán 90 nghìn đồng/bộ, loại test nhanh của Trung Quốc có giá 75 nghìn đồng/bộ, có loại 60 nghìn đồng/bộ. Nhiều gia đình có F0 đã tiêu tốn một khoản tiền lớn để mua kit test sử dụng hằng ngày. Việc sử dụng kit test không rõ nguồn gốc, chất lượng gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và nhiều hệ quả khác.
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: do F0 tăng mạnh từ thời điểm sau tết Nguyên Đán nên nhiều người quá hoang mang dẫn đến việc mua kit về nhà để test hằng ngày, thậm chí không có tiếp xúc với F0 cũng thực hiện test nhanh. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu test nhanh ngay sau khi tiếp xúc với F0 cũng không cho kết quả chính xác mà phải có thời gian nhất định để vi rút nhân lên, ít nhất là sau tiếp xúc với F0 từ 2 đến 3 ngày thì xét nghiệm mới cho kết quả chính xác. Việc test nhanh COVID-19 chỉ nên thực hiện khi có một trong các triệu chứng, như: sốt, ho, rát họng, mệt mỏi cơ, đau vai gáy, hoặc khó thở. Còn khi đã bị F0 rồi thì trong quá trình điều trị nếu triệu chứng nhẹ, trung bình thì chỉ dùng những loại thuốc điều trị triệu chứng thông thường và chỉ nên xét nghiệm vào ngày thứ 7. Nếu ngày thứ 7 đã âm tính thì hết giai đoạn cách ly (với bệnh nhân đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin).
“Việc lạm dụng test nhanh dẫn đến không những tốn kém, lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Khi người dân tự test, mắc COVID-19 sẽ không biết cách xử lý rác thải y tế, gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, ngành Y tế khuyến cáo chỉ những ca có triệu chứng COVID-19 cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa thì mới nên test nhanh, để tránh lãng phí bộ kít, nhất là trong tình trạng khan hiếm như hiện tại”. Bác sĩ Phúc cho biết thêm.
Theo quy định của Bộ Y tế, F1 chỉ cần xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 5 sau cách ly, F0 cũng chỉ cần xét nghiệm vào ngày thứ 7. Khi trở thành F1 chỉ cần test khi có triệu chứng, không cần xét nghiệm ngay. Khi đã có kết quả nhanh dương tính không cần thiết phải tiếp tục xét nghiệm PCR; vạch xuất hiện trên bộ kit đậm hay nhạt cũng không nói lên mức độ nặng, nhẹ, số lượng vi rút nhiều hay ít của người bệnh, muốn xác định điều đó cần có kết luận của bác sĩ. Việc xét nghiệm liên tục khiến cho các gia đình tốn kém một khoản tiền không nhỏ và xã hội đối mặt với nguy cơ thiếu kit test, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch của cả địa phương.
Do đó người dân cần giữ bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng; sử dụng bộ kit khoa học, hợp lý, tiết kiệm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể đối với trường hợp nguy cơ (F1), trường hợp bị nhiễm (F0), công khai trên cổng thông tin điện tử. Người dân cần nghiên cứu các hướng dẫn, mua và sử dụng kit xét nghiệm khi cần. Ngoài ra, nên mua và sử dụng kit test có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh sách sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép, có nhãn mác đầy đủ thông tin và tài liệu hướng dẫn sử dụng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác