05/03/2022 03:50
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà. Tính đến ngày 02/3, toàn tỉnh có 15.240 F0 đang thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Nhằm nâng cao sức khỏe cho người bệnh, giảm tỷ lệ diễn tiến nặng tại nhà, F0 cần chú ý thực hiện các biện pháp tự chăm sóc sức khỏe, sử dụng thuốc đúng cách và tìm đến sự tư vấn của nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường.
Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người nhiễm COVID-19 sẽ được cơ sở y tế ra quyết định thực hiện cách ly, điều trị tại nhà khi đảm bảo 3 điều kiện: Là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày, không có bệnh nền, không mang thai; Có thể tự chăm sóc bản thân, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu hoặc gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí này; có phòng riêng dành cho người F0, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng để liên lạc với cơ sở y tế khi cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Cách ly, điều trị tại nhà là việc làm rất tốt cho người bệnh, người bệnh sẽ có điều kiện sinh hoạt, chăm sóc, ăn uống, tinh thần bệnh nhân cũng sẽ thoải mái hơn so với việc phải vào cơ sở y tế để cách ly, điều trị tập trung. Tuy nhiên, khi cách ly điều trị tại nhà, các F0 cần lưu ý một số điểm cơ bản như chỉ số SpO2. Đối với các bệnh nhân không đủ điều kiện trang bị máy đo SpO2 thì phải chú ý các dấu hiệu như tức ngực, khó thở, nhận biết nhịp thở tăng lên bằng cách đếm nhịp thở, nếu nhịp thở trên 20 -25 lần/phút, hoặc sốt cao liên tục, ho, khạc đàm nhiều thì phải báo ngay cho y tế địa phương để được thăm khám và chuyển tuyến kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn khiến công tác điều trị vất vả hơn.
Việc cách ly, điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại nhà không chỉ giúp giảm tải cho ngành y tế mà còn giúp các bệnh nhân có điều kiện ăn uống, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, tinh thần của bản thân
Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, khi thực hiện cách ly, điều trị tại nhà người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp người bệnh nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết, dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng. Quá trình điều trị, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị. “Đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng. Khi điều trị tại nhà có thuận lợi là chủ động bổ sung về dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ hơn. Bệnh nhân cần chú ý ăn uống đầy đủ chất, đặc biệt các loại rau, củ, quả đầy đủ vitamin. Từ đó, làm cho sức đề kháng của bệnh nhân sẽ tốt hơn. Các bệnh nhân F0 nên ăn đủ ngày 3 bữa, thậm chí nếu được thêm 2 bữa phụ bằng sữa, bột dinh dưỡng để bổ sung. Nếu bệnh nhân có điều kiện thì có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin tổng hợp và chất bổ để bổ sung”, bác sĩ Thịnh cho biết.
Bên cạnh việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khi điều trị tại nhà, bệnh nhân nên tập các bài tập thở. “Bệnh COVID-19 gây tổn thương phổi rất nhiều, do đó, mỗi buổi sáng, các bệnh nhân nên mở cửa sổ hoặc ra vườn hít sâu, nín thở vài giây sau đó thở hết ra và nín thở vài giây. Làm như vậy, khoảng 10-15 phút hoặc lâu hơn. Kèm theo các động tác vươn tay lên đầu, giơ tay giang ngang để nâng các cơ liên sườn, nâng lồng ngực để tăng dung tích thở giúp thông khí càng nhiều càng tốt”, bác sĩ Thịnh hướng dẫn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh tỷ lệ người tiêm 2 mũi vắc xin chiếm tỷ lệ tương đối cao nên hầu hết các bệnh nhân mắc COVID-19 đều không có triệu chứng hoặc biểu hiện triệu chứng nhẹ. Do đó, vấn đề điều trị chủ yếu điều trị triệu chứng như sốt, ho. “Cần lưu ý có những loại thuốc ho không nên dùng như các loại thuốc ho có chứa Codein ức chế hô hấp không tốt cho bệnh nhân. Riêng thuốc điều trị COVID-19 Monulpiravir bệnh nhân cần phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ bởi thuốc Monulpiravir Bộ Y tế mới cấp phép sử dụng hơn 1 tháng trở lại đây. Đối với loại thuốc này, bệnh nhân chỉ được sử dụng thuốc từ 18 tuổi trở lên và dưới 60 tuổi, đặc biệt lưu ý các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính về gan, thận thì không nên dùng Monulpiravir. Đặc biệt chú ý đối với phụ nữ có thai, nghi ngờ có thai hoặc có thể có thai không nên dùng Monulpiravir. Nam giới có gia đình, đang muốn có con nhưng mắc COVID-19 nếu sử dụng thuốc Monulpiravir thì phải sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, không được để có thai trong thời gian khoảng 3 tháng sau khi dùng thuốc Monulpiravir. Thuốc Monulpiravir dùng rất nghiêm ngặt. Hiện nay trên thị trường có một số thuốc Monulpiravir được bán trôi nổi, người dân chỉ biết đó là thuốc dùng để điều trị COVID-19, còn vấn đề chỉ định và chống chỉ định, thậm chí liều lượng dùng cũng không biết nhưng cứ ra mua về dùng. Do đó, tôi khuyến cáo người dân mắc COVID-19 nếu muốn sử dụng thuốc Monulpiravir nên gặp bác sĩ chuyên khoa về truyền nhiễm để được hướng dẫn và sử dụng, không nên quá lo lắng vì mắc COVID-19 mà mua và sử dụng vội vàng thuốc Monulpiravir sẽ gây hại cho sức khỏe của mình”, bác sĩ Thịnh nói.
Việc cách ly, điều trị các bệnh nhân COVID-19 tại nhà không chỉ giúp giảm tải cho ngành y tế mà còn giúp các bệnh nhân có điều kiện ăn uống, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, tinh thần của bản thân, qua đó giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không nên chủ quan khi cách ly điều trị tại nhà, cần theo dõi sát các chỉ số sức khỏe, nếu phát hiện có dấu hiện nào bất thường cần báo ngay cho cơ sở y tế, thực hiện tốt 5K và các quy định khi cách ly, điều trị tại nhà để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác