05/03/2022 03:59
Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron với tốc độ lây nhiễm nhanh, gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo. Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực như: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn…, thì việc chủ động tiêm vắc xin phòng COVID-19 được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để tạo miễn dịch cộng đồng giúp phòng, chống đại dịch.
Đại dịch COVID-19 từ khi xuất hiện đến nay gần được 3 năm và cũng chưa đầy 1 năm thế giới đã có vắc xin tiêm phòng COVID-19 cho người dân. Đây là một thành quả vô cùng to lớn bởi chỉ có vắc xin mới có thể phòng bệnh một cách bền vững nhất, chỉ có vắc xin mới giảm được số mắc và tử vong. Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh. Tiêm chủng là đưa một lượng vắc xin vừa đủ vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chủ động sản xuất kháng thể đặc hiệu để chống lại tác nhân gây bệnh. Do vậy, vai trò và lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được cho là biện pháp bảo vệ sức khoẻ con người hiệu quả nhất, giúp giảm triệu chứng nặng và giảm tử vong; ngăn ngừa sự bùng phát dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe và an sinh của cộng đồng.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào cơ thể, cơ thể sẽ tạo ra những đáp ứng miễn dịch, sinh ra kháng thể để chống lại vi rút SARS-CoV-2. Nếu vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào những người đã có kháng thể thì kháng thể này sẽ tiêu diệt vi rút, giúp người bệnh mắc bệnh ở thể nhẹ, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong. Tại Đắk Lắk, từ đầu mùa dịch tới nay tỉnh đã nhận 4 loại vắc xin phòng COVID-19, gồm: Vắc xin Astrazeneca của Anh, vắc xin Pfizer và Moderna của Mỹ, vắc xin Vero Cell của Trung Quốc. Cho đến nay tỉnh đã tiêm hơn 3,4 triệu liều vắc xin cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Qua theo dõi, tất cả các trường hợp tiêm vắc xin hầu như an toàn, có rất ít phản ứng phụ xảy ra đối với người được tiêm. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin, kháng thể không kéo dài được lâu, sau 3 đến 5 tháng nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, đối với những người đã được tiêm 2 mũi vắc xin trước đây, chúng ta cần khẩn trương tiêm liều bổ sung hoặc liều tăng cường để giúp nồng độ kháng thể tăng cao trở lại, giúp cho việc khống chế dịch bệnh hiệu quả hơn. Với tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, chúng ta đã tiêm được trên 95% người dân từ 18 tuổi trở lên, tuy nhiên vẫn có 1 số trường hợp mắc bệnh nặng phải nhập viện và những bệnh nhân tử vong đa số chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay vắc xin phòng COVID-19 đã được phân bố về tận các trạm y tế xã, phường, thị trấn, do đó, chúng tôi kêu gọi những người mắc bệnh nền, những người già yếu trước đây chưa tiêm vắc xin thì nên khẩn trương đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin. Khi tiêm vắc xin sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19 gây ra.
Ngành Y tế kêu gọi những người mắc bệnh nền, những người già yếu trước đây chưa tiêm vắc xin nên khẩn trương đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin
Cũng theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, hiện nay, có một số người dân đã tiêm 1 mũi, 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc COVID-19. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người sau khi mắc COVID-19 đã khỏe bệnh vẫn phải tiêm các mũi vắc xin như bình thường. “Trước đây, có những hướng dẫn trong vòng 6 tháng sau khi mắc COVID-19 người dân không cần tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn nên tiêm vắc mũi vắc xin để đáp ứng miễn dịch đầy đủ. Bệnh COVID-19 có thể tái nhiễm nhiều lần, do đó, liều bổ sung và liều nhắc lại sau khi mắc bệnh sẽ giúp cơ thể có kháng thể bền vững hơn, qua đó giúp khả năng phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn”, bác sĩ Trí nhấn mạnh.
Tính đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk đã tiêm 3,4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Đối với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được 95%, đối với trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm trên 90%. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ cấp vắc xin để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai tiêm các mũi vắc xin bổ sung hoặc tăng cường cho những người đã tiêm ít nhất 2 mũi trước đây. Hiện nay số người dân được tiêm mũi thứ 3 chiếm tỷ lệ khoảng 50%, trong những ngày tới, khi vắc xin được cấp về, ngành y tế sẽ phân bổ tới các xã, phường để tiêm cho người dân. “Trong thời gian tới, chúng tôi kêu gọi tất cả người dân mắc bệnh nền, những người già yếu, phụ nữ mang thai, béo phì, những người có nguy cơ chuyển nặng khi mắc COVID-19 nên khẩn trương tới các trạm y tế xã, phường để tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19. Những ngày vừa qua, số lượng mắc COVID-19 nhiều khiến nguy cơ tử vong cũng sẽ tăng lên theo số ca mắc. Nếu chúng ta có chiến lược bảo vệ nhóm người có nguy cơ, những người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền… sẽ giảm nguy cơ tử vong”, bác sĩ Trịnh Quang Trí chia sẻ.
Mặc dù những ngày vừa qua số trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục gia tăng, trong đó có những ngày ghi nhận gần 3.000 ca mắc bệnh. Tuy nhiên, mặc dù số ca mắc gia tăng nhưng chủ yếu là các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc biểu hiện triệu chứng nhẹ. Điều đó cho thấy hiệu quả rất lớn của việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 trong thời gian qua. Do đó, để giúp tạo miễn dịch cộng đồng, giảm khả năng lây nhiễm, giảm tỷ lệ trở nặng và tử vong khi mắc COVID-19, mỗi người dân hãy tiêm đủ các mũi vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác