14/03/2022 06:39
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, các loại thuốc điều trị COVID-19 được phân phối mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 phải do bác sĩ kê đơn, nếu tự ý mua và tự ý điều trị sẽ gây những hậu quả khó lường.
Hiện nay, trước tình hình dịch COVID-19 lây lan mạnh, đã có hàng ngàn trường hợp mắc COVID-19. Trong số đó, có trường hợp khi phát hiện đã đến trạm y tế để khai báo và được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc cũng như cách điều trị. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp khi bị F0 đã không nghiêm túc đến trạm khai báo, thậm chí tự mua thuốc về điều trị mà không nghĩ đến những hậu quả nếu không có sự tư vấn từ bác sĩ. Mặc dù hiện nay, thuốc kháng vi rút đã được bán tại nhiều nhà thuốc song người bệnh cần mua theo đơn của bác sĩ bởi không phải ai cũng sử dụng được loại thuốc này.
Người dân ký cam kết tuẩn thủ việc điều trị thuốc Molnupiravir tại nhà
Theo bác sĩ Lại Quang Miễn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột, từ ngày 19/1/2022, Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai điều trị tại nhà cho bệnh nhân mắc COVID-19 bằng thuốc kháng vi rút Molnupiravir có kiểm soát. Theo đó, những trường hợp được dùng thuốc là người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị. Những trường hợp không được điều trị thuốc kháng vi rút Molnupiravir là trẻ từ 17 tuổi trở xuống, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú, người lớn tuổi có bệnh lý nền, có dấu hiệu suy tim, suy gan, hay suy thận mạn tính…
“Nhiều F0 không có triệu chứng, không có chỉ định nhưng vẫn bất chấp sử dụng thuốc kháng vi rút. Thứ nhất là tác dụng phụ của thuốc đã được nhà sản xuất khuyến cáo là nguy cơ gây đột biến dòng tế bào sinh sản, do vậy thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc người có ý định mang thai, sinh con. Chưa kể Molnupiravir có chuyển hóa không tốt trên gan nên nếu lạm dụng có thể dẫn đến viêm gan, nhiễm độc, ngộ độc gan, suy gan… Ngoài ra, trong thuốc Molnupiravir có một số chống chỉ định cho một số người không được dùng. Nếu gặp phải trường hợp chống chỉ định mà dùng thuốc thì việc khỏi bệnh rất khó, thậm chí bệnh có thể tiến triển nặng hơn”, bác sĩ Miễn khẳng định thêm.
việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 phải do bác sĩ kê đơn
Thuốc Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế để giám sát, theo dõi các tác dụng phụ gây rủi ro đáng tiếc. Ngành chức năng khuyến cáo người nhiễm COVID-19 không nên lo lắng, không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc./.
Các chuyên gia y tế cho biết: Hiện nay, đa số người nhiễm COVID-19 đều ở thể nhẹ, có thể tự theo dõi tại nhà, nếu không thuộc nhóm nguy cơ ( người có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, chỉ số CT thấp lại điều trị cách ly tại nhà có thành phần người nhà là người cao tuổi, trẻ nhỏ..., người suy giảm miễn dịch….), F0 không cần dùng thuốc kháng vi rút. Trong quá trình điều trị tại nhà, nếu có ho, sốt, tiêu chảy, đau đầu thì bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, thuốc ho thảo dược, thuốc chống tiêu chảy và bù điện giải…để điều trị các triệu chứng này. Ngoài ra, khi phát hiện nhiễm SARS-CoV-2, mọi người nên bình tĩnh, làm theo tư vấn, chỉ dẫn của các y bác sĩ, phải ăn đủ chất, uống đủ nước (hơn 2 lít nước/ngày) để nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe. Chuẩn bị lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu 1 mình); dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn; chỗ ở cách ly đảm bảo quy định; một số thuốc men thông thường, cần dùng; số điện thoại của Trạm Y tế nơi mình sống, phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch. Nếu có dấu hiệu bất thường mới cần nhập viện để tránh quá tải cho các cơ sở y tế./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh – Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác