19/03/2022 02:38
Hiện nay, trung bình mỗi ngày tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trên 3.500 trường hợp mắc COVID-19. Mặc dù số ca mắc bệnh gia tăng đột biến nhưng chủ yếu là các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc có biểu hiện triệu chứng nhẹ. Điều này khiến không ít người dân chủ quan, lơ là, không khai báo y tế, khai báo thiếu trung thực và không thực hiện 5K khi mắc bệnh khiến dịch bệnh dễ lây lan và bùng phát mạnh trong cộng đồng.
Anh T.Q.B (trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, anh bị lây COVID-19 khi buôn bán nhưng không có triệu chứng nên anh vẫn buôn bán và sinh hoạt bình thường, sau đó do chủ quan không cách ly và thực hiện các biện pháp phòng tránh nên anh lây nhiễm cho vợ và 2 con của mình. “Thực tế ngày xưa khi nghe mắc COVID-19 ai cũng sợ, tuy nhiên bây giờ đã tiêm đủ vắc xin nên khi mắc bệnh tôi thấy không lo lắng lắm, bản thân cũng không có biểu hiện gì nặng nên tôi cũng không khai báo với y tế làm gì”, anh B. nói.
Trái ngược với suy nghĩ của anh T.Q.B, ông N.V.M (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Số ca mắc bệnh trong cộng đồng rất nhiều, y tế quá tải, bên cạnh đó việc người dân mắc bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng và triệu chứng nhẹ khiến nhiều người rất chủ quan. Thực sự giờ đi ra đường tôi cứ sợ tiếp xúc phải F0 vì nhiều người chủ quan lắm, F0 nhưng không ít người vẫn đi lại, sinh hoạt, buôn bán bình thường làm dịch bệnh thêm lây lan.
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, mặc dù mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng người dân không nên chủ quan, khi bị F0 người dân cần phải thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Y tế đề ra như khai báo y tế, cách ly an toàn..., nếu F0 không khai báo sẽ gây hại cho bản thân F0, người thân và cả cộng đồng. Khai báo y tế đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bởi có khai báo đầy đủ, trung thực, cơ quan chức năng mới có những biện pháp phòng chống lây lan, nhằm bảo vệ những người trong khu vực không an toàn; đồng thời, hướng dẫn cho người nhiễm cũng như những người trong gia đình biết cách để phòng tránh lây nhiễm.
Người dân nên chủ động khia báo y tế để bảo vệ cho bản thân và cho cộng đồng
Mặc dù hiện nay tỷ lệ người dân bị nhiễm COVID-19 đa phần là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và tự cách ly ở nhà, tuy nhiên khi khai báo y tế người dân được các quyền lợi như: nhanh chóng được đưa vào quản lý và chăm sóc cũng như can thiệp kịp thời khi trở nặng, nhanh chóng đưa lên tuyến trên. Được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế… Các F1 cũng được theo dõi, quản lý, bảo vệ, nhất là người già, người có bệnh nền, bệnh mãn tính.
Theo quy định của Chính phủ tại điểm a, khoản 3, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Người có hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT, COVID-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Như vậy, người nhiễm COVID-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 117 với mức phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, khai báo y tế không những là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của người dân. Đó là việc làm quan trọng giúp cho ngành Y tế địa phương kịp thời ứng phó khi xuất hiện những ổ dịch mới, hay những biến chủng mới; là kênh thông tin kịp thời, hiệu quả để cơ quan chức năng có thể đánh giá đầy đủ tình hình dịch bệnh của địa phương nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả từ sớm, qua đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng và bùng phát.
Bài, ảnh: Mai Lê - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác