25/03/2022 05:07
COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy nhiên, bệnh lao được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn nên nhiều người dân còn chủ quan. Để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, phát hiện và điều trị bệnh lao, thời gian qua, bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch COVID-19, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực không ngừng để công tác phòng, chống bệnh lao đạt được hiệu quả.
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến khó lường, nhiều thời điểm các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng kéo dài, cộng với tâm lý e ngại của người dân trước đại dịch dẫn đến số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm mạnh. Các hoạt động khám phát hiện chủ động bệnh lao không thể thực hiện, việc phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc… đều gặp khó khăn. Nhiều người mắc bệnh lao không tiếp cận được kịp thời dịch vụ hỗ trợ khiến bệnh nặng, thậm chí tử vong, đồng thời làm gia tăng tốc độ lây lan bệnh lao trong cộng đồng. Bác sĩ Phạm Thành Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện đang quản lý và điều trị 79 bệnh nhân lao, trong đó có 78 bệnh nhân lao thường và 1 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc. Trong năm qua, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi nguồn lực đều tập trung và ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, TTYT huyện vẫn triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao song song với phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, TTYT đã cử các cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các bệnh nhân lao trên địa bàn về vấn đề uống thuốc và theo dõi các triệu chứng, diễn biến của bệnh. Do dịch COVID-19, nên các cán bộ y tế còn hướng dẫn bệnh nhân lao thực hiện tốt biện pháp 5K để phòng tránh dịch, thường xuyên liên lạc với cán bộ y tế để được tư vấn, hướng dẫn uống thuốc điều trị bệnh lao. “Để đảm bảo công tác giám sát, quản lý bệnh nhân lao trên địa bàn huyện không bị gián đoạn do dịch COVID-19, TTYT đã thành lập một hệ thống cán bộ y tế từ huyện xuống từng xã, từng thôn và giữ liên hệ liên tục với bệnh nhân, đảm bảo các bệnh nhân lao đều được quản lý chặt chẽ, uống thuốc điều đặn”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Khi có dấu hiệu bệnh Lao cần đến bệnh viện chuyên khoa lao phổi để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời
Còn tại huyện Lắk, hiện nay toàn huyện đang quản lý 167 bệnh nhân lao, trong đó, riêng năm 2021 đã phát hiện 40 trường hợp bệnh nhân mắc lao mới. Theo bác sĩ Trần Minh Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS Trung tâm Y tế huyện Lắk, thật sự thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác phòng, chống bệnh lao gặp không ít khó khăn. Vì lo sợ dịch COVID-19, tâm lý người dân lo sợ không dám đi ra khỏi nhà để đến cơ sở y tế tái khám, thậm chí những người có biểu hiện ho kéo dài họ cũng ngại tới khám. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của Khoa còn mỏng, trong khi đó công tác truy vết, phòng chống dịch COVID-19 tại thời điểm năm 2021 diễn ra liên tục nên ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động phòng, chống lao. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác quản lý, phòng chống bệnh lao trên địa bàn không bị gián đoạn, Khoa đã lồng ghép các chương trình truyền thông phòng, chống bệnh lao trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không còn tâm lý e ngại, nên tới cơ sở y tế khi có các biểu hiện để được xét nghiệm và phát hiện bệnh kịp thời.
Trong công tác phòng, chống bệnh lao có hai việc quan trọng nhất là phát hiện nhanh nhất người nhiễm, nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Đến cuối năm 2021 số bệnh nhân lao chung các thể phát hiện đưa vào quản lý điều trị của toàn tỉnh là 727 bệnh nhân, đạt tỷ lệ 51,9% so với kế hoạch đề ra; So với năm 2020 là 727/1.109 bệnh nhân giảm 34,4%. Năm 2021, tổng số bệnh nhân lao các thể được thu nhận điều trị thấp hơn rất nhiều theo kế hoạch đề ra và thấp hơn so với năm 2020. Đây là điều hết sức lo lắng bởi với số người mắc lao chưa được phát hiện (đặc biệt lao kháng thuốc và lao phổi có ho khạc ra vi khuẩn) sẽ là nguồn lây lan cho cộng đồng, nếu những người này không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng cao.
Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của các cấp chính quyền và chung tay của cộng đồng nhằm phát hiện các trường hợp lao, kịp thời điều trị với kết quả cao. Quan trọng là người dân cần có ý thức phát hiện sớm các triệu chứng ho kéo dài, sốt, chủ động đến cơ sở y tế, để điều trị cắt đứt nguồn lây, bệnh lao sẽ giảm đi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, do bệnh lao và COVID-19 có những đặc điểm tương đồng nên công tác phòng chống lao cũng cần phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt như công cuộc phòng chống COVID-19 thì Việt Nam mới có khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra là thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
Để phòng tránh bệnh lao, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau: Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng; Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, hắt hơi. Nếu tiếp xúc phải đeo bảo hộ cá nhân. Trẻ em cần tiêm vắc xin phòng bệnh lao trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Khi có các biểu hiện như: Ho, khạc đờm nhiều kéo dài trên 2 tuần, gầy, sút cân, hay đổ mồ hôi trộm, sốt về chiều, ho ra máu… cần đến bệnh viện chuyên khoa lao phổi để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chữa trị sớm, đúng phác đồ.
Bài: Mai Lê; ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác