15/04/2022 09:36
Khi càng lớn tuổi, sự suy giảm sức khỏe ngày càng nhiều, sức đề kháng của cơ thể cũng giảm sút. Do đó, chăm sóc, giữ gìn sức khỏe luôn là mối quan tâm của tất cả mọi người, nhất là đối với người cao tuổi trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bước vào tuổi 50, hệ tiêu hóa của con người bắt đầu giảm hiệu suất hoạt động, hệ miễn dịch suy yếu, thị lực giảm, răng yếu, mũi kém nhạy, tuyến nước bọt tiết ít khiến người lớn tuổi cảm thấy ăn không ngon miệng, da và các tế bào trong cơ thể bị lão hóa. Điều này khiến cho người cao tuổi dễ mắc bệnh và khi mắc bệnh thường nhanh trở nặng.
Ông Bùi Văn Ba (Trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Năm nay ông bước qua tuổi 75, gần đây ông cảm thấy sức khỏe của mình giảm sút rất nhanh. Khi dịch COVID-19 diễn ra, ông vô cùng lo lắng. “Vì đã lớn tuổi, lại có thêm bệnh lý về tim mạch nên bản thân tôi rất sợ lỡ mắc bệnh sẽ không vượt qua được. Mặc dù đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng COVID-19, nhưng để an toàn, tôi hạn chế tới chỗ đông người, cố gắng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tập thể dục đều đặn nhằm nâng cao sức đề kháng cho bản thân”, ông Ba chia sẻ.
Không may mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh, nhưng những di chứng hậu COVID như ho, tức ngực, hụt hơi, mất ngủ khiến sức khỏe của bà Trịnh Thị Sáng (SN 1949, trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) giảm sút. “Do đã lớn tuổi, lại thêm hậu COVID-19 nên tôi thấy rất mệt mỏi. Sau khi đi khám và được các bác sĩ hướng dẫn, tôi cố gắng ăn uống, giữ tinh thần thoải mái, tập dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe. Vì bệnh COVID-19 có thể tái nhiễm, nên mặc dù đã từng mắc và khỏi bệnh, tôi vẫn không chủ quan mà thực hiện đúng các khuyến cáo của y tế, tiêm đủ các mũi vắc xin để tiếp tục phòng bệnh”, bà Sáng chia sẻ.
Người cao tuổi nên thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khoẻ
Theo bác sĩ CKI Đỗ Văn Khải, Phó trưởng Khoa Khám Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh, do đó, việc nâng cao sức khỏe để phòng, chống bệnh tật là điều hết sức cần thiết. Trong thời kỳ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, người cao tuổi nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tuân thủ tốt 5K, tiêm đủ các liều vắc xin, ăn uống đầy đủ chất, uống đủ nước để phòng tránh suy dinh dưỡng, thường xuyên vận động thân thể, đi bộ, dạo mát, đạp xe, bơi lội, tập dưỡng sinh, vẩy tay… Luôn giữ môi trường sinh hoạt sạch sẽ, thoáng mát.
Cũng theo bác sĩ Khải, giữ gìn sức khỏe không chỉ giữ cho cơ thể khỏe mạnh, mà còn giữ cho tâm trí, tinh thần luôn thanh thản, sảng khoái, luôn vui vẻ, thoải mái. Đối với người cao tuổi có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, bệnh phổi… cần đảm bảo uống đủ thuốc, không tự ý bỏ điều trị và thay đổi thuốc. Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần liên lạc ngay với cơ sở y tế xã, phường hoặc bác sĩ điều trị để được tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và điều trị. “Hiện nay dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người cao tuổi thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và chuyển nặng khi mắc COVID-19, tuy nhiên, thay vì hoang mang lo lắng, người cao tuổi nên bình tĩnh, giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ các quy định hướng dẫn của ngành y tế, tuy lớn tuổi nhưng thường xuyên tập luyện, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh xa các chất kích thích như rượu, thuốc lá, sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và tiến tới sống lâu và sống có ích”, bác sĩ Khải chia sẻ thêm.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác