20/04/2022 05:44
Dự kiến trong tuần này, từ ngày 20-24/4, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp nhận 35.000 liều vắc xin Moderna từ Bộ Y tế và sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Để đảm bảo công tác tiêm chủng cho trẻ được an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các khâu, sẵn sàng cho công tác tiêm chủng.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có khoảng 250.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có khoảng 25.000 trẻ đã mắc COVID-19. Do đó, trong tuần này, sau khi tiếp nhận 35.000 liều vắc xin Moderna từ Bộ Y tế, ngành Y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin thí điểm chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện, thị xã cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Việc triển khai tiêm vắc xin sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, ưu tiên tiêm cho trẻ theo độ tuổi từ lớn đến bé, những trẻ dưới 12 tuổi (tương đương với học sinh lớp 6) sẽ được tiêm vắc xin trước để đánh giá, theo dõi. Sau đó, sẽ hạ dần độ tuổi tiêm chủng xuống đến 5 tuổi. Để công tác tiêm vắc xin cho trẻ diễn ra an toàn, đúng tiến độ, y tế địa phương sẽ phối hợp với Sở Giáo dục tổ chức tiêm cho trẻ ở trường học đối với trẻ đi học. Đối với trẻ không đi học, sẽ tiêm tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn nơi cư trú. “Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ nên việc tổ chức tiêm vắc xin lần này sẽ đảm bảo chu đáo, an toàn, hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế. Thực tế, những ngày vừa qua đã có nhiều tỉnh thành triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đều cho kết quả an toàn, trẻ chỉ gặp một số phản ứng phụ thông thường như sưng, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, những tác dụng phụ này sẽ biến mất trong vài ngày. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc xin để trẻ có kháng thể chống lại sự xâm nhập của vi rút qua đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong cho trẻ”, bác sĩ Trịnh Quang Trí chia sẻ.
Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19 cho trẻ từ 12-17 tuổi và chuản bị triển khai tiêm vâc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Là đơn vị được lựa chọn đầu tiên triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, những ngày vừa qua, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát lại tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin COVID-19, sàng lọc kỹ đối với những trẻ bị F0 trong 3 tháng gần đây, đồng thời liên hệ với các trường, xã, phường để lấy mã số định danh của trẻ. Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 50.000 trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi. Để đảm bảo an toàn hiệu quả cho đợt tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sắp tới, ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, TTYT đã tổ chức tập huấn cho các trạm y tế, đội tiêm chủng về công tác tiêm và xử trí những phản ứng sau tiêm cho trẻ, chú trọng tuyên truyền để cho người dân hiểu được hiệu quả của việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19, theo dõi các phản ứng sau tiêm.
Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, hiện nay Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vắc xin COVID-19 tiêm cho trẻ trong đội tuổi này là vắc xin Pfizer (cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi) và vắc xin Moderna (tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi). Đối với vắc xin Pfizer của Mỹ, vắc xin này được dùng tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với liều lượng 0,2ml nồng độ kháng nguyên 10mcg cho một lần tiêm. Khuyến cáo những trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm cùng loại vắc xin này trong thời gian 2 mũi cách nhau 4 tuần. Vắc xin Moderna được tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Như vậy, đối với trẻ từ 5 đến 6 tuổi chỉ tiêm vắc xin Pfizer. Đối với vắc xin Moderna, sử dụng được vắc xin của người lớn để tiêm cho trẻ nhưng nồng độ vắc xin chỉ bằng 1 phần 2 so với người lớn, cụ thể trẻ sẽ được tiêm 0,25ml, 2 mũi cũng cách nhau 4 tuần. Cả 2 vắc xin này đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý dược Châu Âu cũng như Bộ Y tế phê duyệt để sử dụng.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác