20/04/2022 06:07
Tiêm mũi 3 (liều bổ sung và liểu nhắc lại) vắc xin COVID-19 là điều hết sức cần thiết nhằm tăng hiệu quả bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện nay có không ít người dân mang tâm lý chủ quan, trì hoãn không tiêm mũi 3. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người mà còn gây ra tình trạng lãng phí khi vắc xin hết hạn và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Đến thời hạn tiêm nhắc lại mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 nhưng ông T.V.D (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chẳng may mắc COVID-19. Sau khi cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà, ông T.V.D khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh đến nay đã hơn 1 tháng, ông T.V.D vẫn chưa tiêm lại mũi 3. Lý giải cho điều này, ông T.V.D cho biết: “Mặc dù chưa tiêm mũi 3 nhưng tôi nghĩ mình vừa khỏi bệnh COVID-19, cơ thể đã có sẵn kháng thể rồi nên không cần phải tiêm mũi nhắc lại làm gì. Với lại tôi thấy khi mắc bệnh, triệu chứng cũng nhẹ, không có gì đáng lo ngại. Bây giờ mà chích lại mũi 3, về sốt, nhức mỏi người, lại thêm tâm lý lo lắng nữa”.
Chị N.M.A (trú tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cũng chia sẻ: Việc triển khai tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 là điều hết sức cần thiết. Tôi biết sau khi tiêm mũi 2 một thời gian, kháng thể sẽ suy giảm và cần tiêm nhắc lại vắc xin. Tuy nhiên, vì mới khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nên tôi cũng đang phân vân nên chần chừ chưa đi tiêm lại mũi 3.
Tiêm bổ sung mũi thứ 3 là điều hết cần thiết
Có thể thấy, kể từ khi bùng phát đến nay, COVID-19 đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều chủng mới. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt 5K và đặc biệt, nhờ bao phủ tốt vắc xin nên hiện nay, mặc dù số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gia tăng nhanh nhưng hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều không biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ bệnh nhân nặng nhập viện và tử vong ở mức thấp. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, theo thời gian, khoảng 4 - 6 tháng sau khi tiêm vắc xin, kháng thể sinh ra từ liều vắc xin cơ bản sẽ bị suy giảm dần. Vì thế, tiêm bổ sung mũi thứ 3 là điều hết cần thiết.
Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến ngày 19/4, toàn tỉnh có trên 65% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19, còn khoảng hơn 300.000 người chưa tiêm mũi 3. Tháng 4/2022, Bộ Y tế đã cấp cho tỉnh Đắk Lắk hơn 216.000 liều vắc xin, trong đó có 186.000 liều Pfizer và 30.000 liều vắc xin Attrazeneca để tiêm mũi 3 (mũi bổ sung và mũi nhắc lại) cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn chần chừ chưa chịu tiêm mũi 3 do một số người dân trước đây đã tiêm 2 mũi vắc xin sau đó mắc COVID-19 nên họ chủ quan không đi tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với những người từ 18 tuổi trở lên sau khi mắc COVID-19 khỏi bệnh vẫn nên tiêm vắc xin mũi 3 bình thường để tạo kháng thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tình trạng trở nặng khi mắc bệnh, giảm nguy cơ tử vong và giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.
Với lợi ích của việc tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 mang lại, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; một số người còn tâm lý e ngại chưa chịu tiêm mũi 3, hãy chủ động đến các điểm tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để được đội ngũ y, bác sĩ khám sàng lọc, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện tiêm chủng an toàn, hiệu quả.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác