21/04/2022 08:45
Ngày 17/3/2022, tại Nghị quyết 38/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nin; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Bệnh truyền nhiễm nhóm A là bệnh lây lan nhanh, phát tán rộng
Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do virus Zika, bệnh do virus Adeno; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng-gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng-gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do virus Rota.
Căn cứ các quy định trên, năm 2020 dịch bệnh COVID-19 được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Theo các chuyên gia y tế, nếu dịch bệnh Covid-19 được chuyển từ nhóm A sang nhóm B, những quy định hiện hành, những biện pháp hạn chế tập trung đông người, các quy định về bảo hộ phòng dịch cũng như cách ly sẽ có sự thay đổi theo. Chẳng hạn, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thuộc diện được điều trị miễn phí do được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả phí (đối với người tham gia BHYT) và được ngân sách chi trả (đối với người không tham gia BHYT). Khi áp dụng biện pháp phòng, chống dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm B thì khả năng những người nhiễm COVID-19 sẽ không điều trị miễn phí. Lúc đó, chỉ người tham gia BHYT mới được Quỹ BHYT trả phí, người không tham gia BHYT sẽ phải chịu chi phí điều trị. Riêng các biện pháp phòng, chống dịch khác như: đảm bảo cách ly y tế, khử khuẩn... đều được quy định cho các bệnh truyền nhiễm thuộc cả nhóm A, B, C nên vẫn phải thực hiện, tuy nhiên tần suất, quy mô thực hiện các biện pháp này phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh.
Việc đảm bảo cách ly y tế, khử khuẩn dựa trên đánh giá mức độ nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh
Việc chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B cũng làm giảm áp lực cũng như vất vả, căng thẳng cho nhân viên y tế. Việc đầu tiên thay đổi là nhân viên y tế không phải mặc đồ bảo hộ trùm kín cả người trong quá trình lấy mẫu, tiêm vaccine hay trong các hoạt động y tế thông thường... mà chỉ cần đeo găng tay, khẩu trang N95, kính chống giọt bắn là đủ an toàn trong quá trình làm việc... Như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua đồ bảo hộ phòng dịch mặc 1 lần, giúp nhân viên y tế giảm căng thẳng, mệt mỏi khi phải mặc đồ kín cả người trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Việc đó cũng giúp thuận lợi hơn trong việc chăm sóc cho người bệnh mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch.
Nếu chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh Covid-19 vẫn là một loại bệnh truyền nhiễm nên chúng ta vẫn cần tiếp tục có những biện pháp bảo vệ, phòng chống dịch. Trước hết, người dân vẫn cần phải đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên; người cao tuổi, có bệnh nền mà chưa được tiêm chủng nên hạn chế tiếp xúc với người khác. Có khả năng người nhiễm cũng không cần thiết phải cách ly tại cộng đồng, nhưng khi F0 đến bệnh viện vẫn cần phân loại vào khoa truyền nhiễm để tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân thông thường./.
Bài, ảnh: Phượng Vũ - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác