22/04/2022 04:53
Hiện nay, diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, tỷ lệ người mắc COVID-19 vẫn còn cao, phần lớn các trường hợp bệnh nhẹ thì bệnh nhân tự cách ly và điều trị tại nhà. Do đó, chất thải của người mắc COVID-19 cần được phân loại và xử lý đúng cách để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Sau đây, bác sĩ CKI Bế Thụy Thùy Nhiên (Phó trưởng khoa phụ trách khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk) sẽ có những chia sẻ về xử lý rác thải cho F0 tại nhà.
Thưa bác sĩ, khi bệnh nhân COVID-19 cách ly và điều trị tại nhà thì có cần phải xử lý rác thải riêng không? Vì sao?
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số trường hợp mắc COVID-19 không ngừng tăng cao, phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được thực hiện quản lý, cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú.
Rác thải của F0 tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, có thể làm lây lan, phát tán mầm bệnh cho cộng đồng. Do đó, rác thải của F0 tại nhà rất cần có sự quản lý chặt chẽ. Và thực tế, các văn bản của Bộ y tế, bộ Tài nguyên & Môi trường cũng quy định việc phân loại riêng biệt rác thải từ F0 và rác của người không nhiễm COVID-19.
Người dân nên phân loại rác thải ngay tại nhà
Người dân nên xử lý rác thải của F0 như thế nào?
Theo Công văn số 922/BYT-MT ngày 27/02/2022 của BYT và Công văn số 1336/BTNMT-TCMT ngày 15/3/2022 của Bộ Tài nguyên & MT về quản lý chất thải đối với trường hợp F0 cách ly tại nhà: Tất cả các loại chất thải rắn phát sinh của người nhiễm COVID-19 đang cách ly tại nhà phải được quản lý như chất thải lây nhiễm, phân loại riêng biệt với chất thải sinh hoạt của người không nhiễm COVID-19.
Cụ thể: Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang điều trị tại nhà được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, xịt cồn 70 độ khử trùng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi khác hoặc thùng có lót túi khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Ủy ban nhân dân cấp xã nên có quy định về điểm tập kết chất thải của F0 tại địa phương, và phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải để xác định vị trí, thời gian, tần suất thu gom phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Vậy còn rác thải của người chăm sóc cho F0 thì cần xử lý như thế nào?
Khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 cũng được phân loại và xử lý như chất thải của người F0. Tức là cũng bỏ vào 2 lần túi, có xịt cồn khử trùng và bên ngoài túi đựng chất thải có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Cảm ơn bác sĩ về những thông tin vừa rồi!
Bài: Phượng Vũ; Ảnh: Đình Thi
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác