22/04/2022 05:15
Ho là một trong những di chứng thường thấy ở hậu COVID-19. Sau khỏi COVID-19, nhiều người vẫn không dứt được cơn ho, từ ho từng tiếng một đến ho sặc sụa hay ho dai dẳng ngày này qua ngày khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, làm rối loạn giấc ngủ vào ban đêm.
Mặc dù đã khỏi COVID-19 được hơn 1 tháng, nhưng chị Phạm Thị Nghị (trú tại phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn khổ sở vì ho kéo dài, kèm theo khó thở, nhất là về đêm chị không thể ngủ được vì ho, hầu như đêm nào chị cũng phải ngồi thở khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. “Khi mắc COVID-19, tôi hầu như không có biểu hiện gì. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, tôi lại bị ho. Ban đầu chỉ ho vài tiếng và hay đằng hắng, nhưng sau đó cơn ho ngày một dày và dữ dội, ho sặc sụa không dứt khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi đã thử uống rất nhiều loại si rô trị ho nhưng cơn ho vẫn không thuyên giảm”, chị Nghị chia sẻ.
Còn chị Lê Mộc Trà (trú tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) thì vất vả với cơn ho cả 2 tháng nay. Sau khi khỏi COVID-19, cơn ho không những khiến sức khỏe chị bị ảnh hưởng mà còn khiến chị cảm thấy ngại ngùng tại nơi làm việc. “Trước khi mắc COVID-19 tôi nghe nhiều người nói sau khi khỏi bệnh sẽ gặp phải nhiều di chứng hậu COVID-19 nhưng tôi không nghĩ rằng nó lại khó chịu đến thế. Có những lần tôi ho nhiều như muốn vỡ luôn thanh quản. Do cơ địa tôi vốn dị ứng, vì lo lắng nên tôi đã đi bệnh viện để các bác sĩ khám và hỗ trợ điều trị nhằm cắt đứt cơn ho giúp ổn định sức khỏe. Đến nay sau 1 tuần điều trị, tôi đã đỡ ho hơn rất nhiều”, chị Trà nói.
Người dân phải đi khám để đánh giá việc bản thân có bệnh phổi khác hay không
Theo bác sĩ CKI Đỗ Văn Khải, Phó trưởng Khoa Khám Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Đắk Lắk, ho là phản xạ đào thải, làm sạch bụi, đờm, xác vi rút và các chất kích thích khác khỏi đường thở gồm họng, thanh quản, khí quản, phổi. Do đó, ho được coi là phản xạ bảo vệ có lợi của cơ thể. Ho ở bệnh nhân sau khỏi COVID-19 rất đa dạng. Từ ho từng tiếng một rải rác trong ngày đến ho sặc sụa, đột ngột, chảy nước mắt hay ho dai dẳng kéo dài ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên có nhiều trường hợp bệnh nhân ho quá nhiều, cơn ho gây kích ứng, đau rát họng, đau dọc theo đường giữa xuống ngực gây tức ngực. Cơn ho kéo dài có thể làm tổn thương biểu mô đường thở dẫn tới sự xâm nhập của các loại vi khuẩn và nấm có sẵn tại đường thở gây viêm làm cho cơn ho nặng hơn hay còn gọi là ho sâu, ho có dờm dẫn đặc và xanh ảnh hưởng tới vấn đề ăn uống, giấc ngủ, sức khỏe, lúc này các bác sĩ sẽ phải sử dụng các liệu pháp điều trị để cắt cơn ho cho bệnh nhân.
Để ứng phó với ho sau khi khỏi COVID-19, theo bác sĩ Khải, người dân phải đi khám để đánh giá việc bản thân có bệnh phổi khác hay không (như viêm phổi, lao phổi), hoặc các bệnh như ho do dị ứng, trào ngược, suyễn... hay đích thị là ho hậu COVID-19. Nếu không phải vì bệnh lý khác, thì việc tự vận động, tập luyện, tẩm bổ sẽ khiến ho sau COVID-19 hết dần sau một thời gian. Có những người bị mệt mỏi, mất sức liên quan hô hấp, thì lúc này tập thở. Cụ thể, với bài tập thở, cần tập hít vào, thở ra bằng mũi, thở chậm khi hết ho. Hít vào thật dâu bằng mũi, giữ và đếm từ 1 đến 4 sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng, lặp đi lặp lại 3 đến 4 lần; Ngậm miệng và nuốt liên tục hoặc uống những ngụm nước ấm nhỏ đến khi hết ho.
“Theo đông y, ho là do phế táo, việc bị ốm lâu ngày làm phổi tổn thương, làm cho tâm dịch của phổi bị hư hao. Phổi mất đi sự tư nhuận dẫn đến các triệu chứng ho khan, ho có đờm. Để giúp bệnh nhân cắt cơn ho, khi điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền, bệnh nhân sẽ được kê các bài thuốc từ nhân sâm, tang diệp, mạch môn, sa sâm, hạnh nhân… giúp bệnh nhân giảm ho, bổ phổi. Đồng thời kết hợp với các biện pháp châm cứu, các bài tập thở cho bệnh nhân nhằm tăng khả năng trao đổi khí của phổi giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe”, bác sĩ Khải chia sẻ thêm.
Để tránh di chứng ho sau khỏi COVID-19 cũng như những di chứng khác, người dân cần phát hiện sớm nhiễm COVID-19 và điều trị đúng mức ngay từ ngày nhiễm đầu, trong đó có biện pháp dễ áp dụng là tập thở tại nhà, để tránh được di chứng ho kéo dài, xơ phổi, khó thở. Khi có biểu hiện ho từ lúc nhiễm COVID-19 đến sau khi khỏi bệnh, ngoài tập thở, người dân cần theo dõi sức khỏe, hạn chế tối đa ăn uống đồ lạnh... Nếu tình trạng ho không cải thiện nên đến các các cơ sở y tế thăm khám, đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài, từ đó mới có phương án điều trị phù hợp.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác