27/04/2022 06:51
Theo Tổ chức Y tế thế giới, COVID-19 cũng như các bệnh do vi rút, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp tốt nhất nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Bác sĩ Lê Phúc – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho biết, sắp tới tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho khoảng 200.000 trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây là đối tượng chiếm khoảng 20% số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh. Phần lớn trẻ mắc bệnh thường gặp các triệu chứng nhẹ ở mũi họng, sốt hoặc có thể không có triệu chứng do cơ thể trẻ có khả năng miễn dịch cao được gọi là kháng thể tự nhiên, kháng thể tự nhiên này sẽ giảm theo thời gian, vì vậy việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 làm tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể trẻ chống lại vi rút SARS-CoV-2, làm giảm nguy cơ tái nhiễm, giảm diễn tiến nặng của bệnh, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly y tế có thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sau 2 tuần. Tuy nhiên, đối với trẻ em khỏi bệnh từ khoảng 3-6 tháng, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là phù hợp để tạo được miễn dịch tốt nhất. Đối với những trẻ đang điều trị bệnh cấp tính hoặc mạn tính, trẻ có tiền sử dị ứng cần phải được tư vấn, hướng dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt là của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo quyền và lợi ích được tiêm phòng cho trẻ.
Cần theo dõi trẻ sau tiêm ít nhất 72 giờ
Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, trẻ có thể gặp một số biểu hiện, như: đau, đỏ, sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, sốt, buồn nôn… đó là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể trẻ đang xây dựng hàng rào bảo vệ cơ thể. Những phản ứng này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ và sẽ biến mất sau vài ngày. Để giảm các triệu chứng sau tiêm, có thể dùng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh không tự ý sử dụng thuốc giảm triệu chứng sau khi tiêm vắc xin COVID-19 vì một số trẻ có chống chỉ định với thuốc. Bên cạnh đó có thể làm giảm đau, sốt hãy cho trẻ uống nhiều nước, sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, tránh cho trẻ vận động mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, cần theo dõi trẻ sau tiêm ít nhất 72 giờ, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, sau khi trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19, cần có thời gian để cơ thể trẻ hình thành hệ miễn dịch, đến ngày thứ 4 sau tiêm, trẻ có thể hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên phụ huynh cũng cần theo dõi thêm để đảm bảo an toàn sau tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cũng cần tuân thủ 5K để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống dịch COVID-19./.
Bài, ảnh: Phượng Vũ - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác