05/05/2022 02:43
Hiện nay, nhiều tỉnh thành trong cả nước đang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc không biết tiêm vắc xin phòng COVID-19 bao lâu thì tiêm được các vắc xin khác như cúm mùa, phế cầu, viêm não Nhật Bản, não mô cầu … hoặc ngược lại tiêm những vắc xin này bao lâu thì tiêm được vắc xin phòng COVID-19.
Trước đây Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo vắc xin phòng COVID-19 và các vắc xin khác nên tiêm cách nhau ít nhất 14 ngày. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, các cơ quan này nhận thấy có nhiều trẻ bị trễ lịch tiêm các vắc xin khác và có nguy cơ mắc các bệnh khác ngoài COVID-19. Vì vậy, khuyến cáo mới nhất của CDC Hoa Kỳ là có thể tiêm cùng thời điểm và tiêm ở các vị trí khác nhau.
Trẻ có thể tiêm vắc xin khác mà không chờ đến 14 ngày sau nếu việc tiêm vắc xin khác là rất cần thiết.
Bác sĩ Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, hai loại vắc xin phòng COVID-19 đang được sử dụng tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc nhóm vắcxin mRNA. Vắc xin này không bị ảnh hưởng bởi kháng thể lưu hành trong máu của người được tiêm vắc xin. Ngược lại, kháng thể được tạo ra từ vắc xin phòng COVID-19 là đặc hiệu với protein gai, không bị ức chế hoặc tương tác với các kháng nguyên có trong các loại vắc xin hiện có trên thì trường hiện nay, kể cả vắc xin sống giảm độc lực như Sởi, Trái rạ, Sởi-Quai bị-Rubella, … Vì vậy, nhằm giúp các cháu có miễn dịch tốt nhất phòng ngừa bệnh COVID-19 cũng như không chậm trễ việc tiêm ngừa các vắc xin khác và cũng đảm bảo việc theo dõi an toàn sau tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 thì không trì hoãn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những trẻ trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác cho dù mới tiêm dưới 14 ngày. Ngược lại, những trẻ mới tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì nên đợi ít nhất 14 ngày sau mới tiêm các vắc xin khác với mục đích là để tập trung theo dõi các tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó có viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên, trẻ có thể tiêm vắc xin khác mà không chờ đến 14 ngày sau nếu việc tiêm vắc xin khác là rất cần thiết.
Trẻ em 5 đến 11 tuổi là độ tuổi quan trọng cần chủng ngừa đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin, đặc biệt là các vắc xin quan trọng bảo vệ hệ hô hấp và phòng bệnh dễ lây nhiễm trong môi trường học đường đông đúc như: vắc xin ho gà - bạch hầu - uốn ván, vắc xin cúm, vắc xin phòng viêm phổi và các bệnh do khuẩn phế cầu, vắc xin phòng sởi - rubella - quai bị, vắc xin phòng viêm gan A + B, vắc xin phòng viêm màng não mô cầu, vắc xin phòng Viêm não Nhật Bản… Nếu bỏ lỡ lịch tiêm chủng trong giai đoạn này, trẻ có khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, đối với các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, tiêm đúng lịch sẽ có vai trò bổ trợ cùng với vắc xin COVID-19 tăng cường đề kháng bảo vệ lá phổi khỏe mạnh nhất, bác sĩ Lê Phúc khuyến cáo thêm.
Bài, ảnh: Kim Oanh - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác