07/05/2022 03:55
Theo các chuyên gia y tế, tác động trực tiếp của vi rút SARS-CoV-2 đối với cơ thể là gây tổn thương phổi, đường hô hấp, các cơ khác, trong đó có não bộ. Sau khi khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân có các biểu hiện, như: căng thẳng kéo dài, ra mồ hôi tay chân, run tay chân, bồn chồn, xử lý công việc mất bình tĩnh, lo âu, hoang mang, đứng ngồi không yên, mất ngủ kéo dài hoặc khi ngủ hay bị ám ảnh về thời gian nằm viện (đối với người bị COVID-19 nặng), giảm trí nhớ, hay cáu gắt quá mức, không tập trung chú ý, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Đây là các dấu hiệu của rối loạn tâm thần hậu COVID-19.
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây gia tăng bệnh nhân đến khám các chứng rối loạn tâm thần sau khi điều trị khỏi COVID-19. Chỉ tính từ tháng 1 năm 2022 đến nay, bệnh viện đã khám và điều trị cho 6 trường hợp bị rối loạn tâm thần hậu COVID-19. Đáng lo ngại tất cả những trường hợp này đều là người trẻ tuổi, trước khi mắc COVID-19 sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng khoa khám, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk: Rối loạn tâm thần hậu COVID-19 là những người sau khi điều trị khỏi COVID-19 xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng, như: mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, mất ngủ, hay cáu gắt quá mức, không tập trung chú ý… Trong đó triệu chứng mất ngủ là hay gặp nhất. Mắc COVID-19 càng nặng, thể tâm thần càng tăng. Tất cả những triệu chứng này nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Sau điều trị COVID-19 khoảng một tháng, bệnh nhân T.T.V, 20 tuổi (TP. Buôn Ma Thuột) xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, thường xuyên bị hồi hộp, đánh trống ngực. Sau đó, gia đình đã đưa đi khám đa khoa ở nhiều nơi, làm tất cả các cận lâm sàng từ xét nghiệm máu, chụp X-Q phổi, điện tim, điện não…nhưng không phát hiện tổn thương nào. Về nhà được một thời gian thì tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng, có các dấu hiệu bất thường, người cứ bần thần khó tả, có lúc cảm thấy có nhiều ký sinh trùng đang bò trong người và gần đây nhất là bắt đầu có hành động quậy phá, kích động mạnh, la hét…Lúc này gia đình mới đưa đến Bệnh viện Tâm thần để khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tâm thần hậu COVID-19.
Bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần hậu COVID-19 đi khám và điều trị ở cơ sở y tế.
Cũng được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần hậu COVID-19, bệnh nhân N.Q.D., 30 tuổi làm công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về tỉnh Đắk Lắk sau khi điều trị khỏi COVID-19. Thời gian gần đây, bệnh nhân bị mất ngủ liên tục, thường xuyên nói lảm nhảm một mình, cảm xúc không ổn định, vui buồn thất thường, không định hướng và không làm chủ được bản thân. Do thấy có biểu hiện lạ không như người bình thường nên gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần để khám và điều trị.
Bác sĩ Hoàng Thị Duyên cho biết: đây là hai trường hợp điển hình, biểu hiện rối loạn tâm thần rõ nhất hậu COVID-19. Một số trường hợp khác đến khám bị rối loạn trầm cảm lo âu khá nghiêm trọng. Họ tâm sự rằng sau khi mắc COVID-19 đã luôn cảm thấy chán nản, bi quan tiêu cực, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, không có động lực, dễ nổi nóng, nói lời khó nghe với người khác dù bản thân không có ý đó. Có bệnh nhân thậm chí đã nghĩ đến chuyện tự tử, rồi có bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi, thường xuyên đau đầu, giấc ngủ không sâu, thậm chí có lúc thì mất ngủ đến sáng. Có bệnh nhân thì chán ăn, không còn hứng thú với sở thích của mình và mất phương hướng trong tương lai.
Người bị hậu COVID-19 có dấu hiệu lo âu, trầm cảm …nếu được phát hiện sớm, hợp tác tuân thủ điều trị thì bệnh sẽ được cải thiện. Ngược lại, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì chứng rối loạn lo âu, trầm cảm sẽ tiến triển theo tính chu kỳ và lặp lại thì bệnh càng ngày càng nặng hơn về mặt tinh thần, đặc biệt hay tái diễn.
Điều lo ngại nhất hiện nay là nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không hề hay biết, đi khám nhiều nơi, làm các xét nghiệm và cận lâm sàng nhiều thứ, uống nhiều loại thuốc nhưng không khỏi bệnh. Đến khi phát hiện ra vấn đề mình gặp phải thì đã quá muộn, thậm chí là gây ra hậu quả. Ví dụ như triệu chứng trầm cảm, không khám kịp thời thì dẫn đến nguy cơ tự sát, có hành vi nổi loạn, đập phá, đánh chém người, thậm chí có thể giết người…Còn nếu bị mất ngủ lâu dài, suy nhược trí nhớ thì sẽ ảnh hưởng đến sức lao động.
Cần thăm khám và điều trị đúng chuyên khoa nếu có dấu hiệu bất thường về tinh thần
“Mắc COVID-19 là một sang chấn vừa gây tổn thương cơ thể, vừa gây tổn thương tinh thần. Do đó, cần phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần hậu COVID-19 cũng rất cao. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do hậu COVID-19 mà chỉ điều trị triệu chứng. Do vậy, khi người bệnh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 cần có biện pháp cân bằng cuộc sống, thực hiện bài tập hoạt động thể thao giúp cho máu lưu thông để giấc ngủ được tốt hơn. Nếu các bài tập đó chưa cải thiện được bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, điều trị. Tuyệt đối không quan niệm cúng kiến thầy bà hoặc tự ý uống thuốc”, bác sĩ Duyên khẳng định thêm.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để phòng chống rối loạn tâm thần hậu COVID-19, người dân không nên quá lo lắng, đồng thời tăng cường rèn luyện sức khỏe sau khi đã khỏi COVID-19, chọn lựa thông tin, tăng hoạt động có ích để có tâm lý tốt. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo thể trạng và bệnh lý nền để bồi bổ và tăng sức đề kháng. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp hồi phục cơ thể, cải thiện tâm trạng như nhóm các loại rau lá xanh (rau ngót, mồng tơi, bông cải xanh, cải bó xôi, rau dền); nhóm các loại củ quả có màu vàng cam hay đỏ (cà rốt, đu đủ, khoai lang, bí, cà chua, dâu tây, trái bơ); nhóm thịt, cá, trứng. Đặc biệt, trong quá trình điều trị chứng rối loạn tâm thần, cần phải kiên trì. Vấn đề tâm thần có thể hoàn toàn được kiểm soát nếu hợp tác tốt với bác sĩ, chỉ cần vài tuần nghiêm túc điều trị, bệnh nhân có thể trở về trạng thái tâm lý thoải mái bình thường nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi để được xây dựng cơ chế phòng vệ tâm lý vững mạnh./.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh - Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác