25/05/2022 02:55
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3182/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 4 cho lực lượng tuyến đầu.
Theo công văn, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có chỉ đạo rất cụ thể về mục tiêu cần đạt được trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng đến nay tiến độ tiêm còn chậm. Để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ rà soát số người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 3, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm cho những đối tượng này; báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 25/5/2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu tiêm vắc xin mũi 4 cho lực lượng tuyến đầu đã suy giảm miễn dịch; có kế hoạch đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Rà soát, nghiên cứu tiêm vắc xin mũi 4 cho lực lượng tuyến đầu đã suy giảm miễn dịch
Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 21/5, tổng số liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm là 219.084.118 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.229.463 liều: Mũi 1 là 71.472.206 liều; mũi 2 là 68.705.056 liều; mũi 3 là 1.506.133 liều; mũi bổ sung là 15.163.236 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 41.317.426 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 65.406 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.430.536 liều: Mũi 1 là 3.406.264 liều; mũi 2 là 24.272 liều.
Tại Đắk Lắk, toàn tỉnh đã triển khai tiêm hơn 3,7 triệu liều vắc xin. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên là 1.244.183 liều, đạt 97,8%, trẻ em từ 15-17 tuổi tiêm mũi 1 tiêm 80.387 liều, đạt 97%, trẻ em từ 12-14 tuổi mũi 1 tiêm 104.937 liều, đạt 96,3%, trẻ em từ 6-11 tuổi tiêm mũi 1 tiêm 35.617 liều, đạt 20%; mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên là 1.208.831 liều, đạt 95%, trẻ em từ 15-17 tuổi tiêm mũi 2 tiêm 75.636 liều, đạt 91,3%, trẻ em từ 12-14 tuổi mũi 2 tiêm 96.470, đạt 88,5% và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, với 533.294 liều bổ sung đạt 44,1% và 397.448 liều nhắc lại đạt 32,9%.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ khi có vắc xin, tình hình dịch bệnh COVID-19 có chuyển biến tích cực. Số ca bệnh nặng và tử vong giảm sâu so với trước kia khi người dân chưa được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vi rút SARS-CoV-2 còn nhiều nguy cơ tạo ra các biến chủng mới. Do đó, người dân tuyệt đối không nên chủ quan. Hiện nay, mũi 1 và mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh đã bao phủ gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, mũi 3 còn đạt tỷ lệ chưa cao. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 chưa cao là do một bộ phận người dân hiểu chưa đúng về tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và lo ngại trước các tác dụng phụ của vắc xin. Theo nghiên cứu, 2 liều vắc xin phòng COVID-19 không có tác dụng mãi mãi như một số loại vắc xin khác mà theo thời gian, kháng thể được sinh ra từ 2 liều vắc xin cơ bản của vắc xin phòng COVID-19 sẽ bị suy giảm dần, có thể không đáp ứng được đối với những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Chính vì vậy, sau khoảng thời gian 3 tháng, người dân cần tiêm liều nhắc lại (mũi 3) nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch của cơ thể, giúp kháng thể trong cơ thể được tăng lên, chống lại tác nhân gây bệnh là vi rút SARS-CoV-2. Đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu thì cần được tiêm bổ sung mũi 3 sớm hơn (khoảng 28 ngày sau khi tiêm mũi 2) để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra nếu chẳng may bị nhiễm bệnh.
“Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, người trên 18 tuổi sau khi mắc COVID-19 được 3 tháng mới tiêm vắc xin. Do đó, người dân nên chú ý theo dõi và đi tiêm vắc xin đúng thời gian để tăng kháng thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20-30% trẻ em bị mắc COVID-19. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, số trẻ từng mắc COVID-19 sau 3 tháng mới tiêm vắc xin phòng bệnh. Do đó, phụ huynh cũng nên theo dõi và cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau 3 tháng mắc bệnh để tăng đề kháng cho trẻ”, bác sĩ Trí chia sẻ thêm.
Bài: Mai Lê; Ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác