26/05/2022 03:39
Với mục tiêu nâng cao nhận thức và hiểu biết về xét nghiệm kháng nguyên nhanh (AG-RDT) trong chẩn đoán và phòng ngừa COVID-19, tăng số lượng các cơ sở y tế và các cơ sở ngoài y tế sẵn sàng sử dụng AG-RDT để phòng chống dịch COVID-19, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm COVID-19 ở cộng đồng, trong khoảng thời gian từ 15/10/2021 đến 31/8/2022, Tổ chức Health Poverty Action tại Việt Nam triển khai Dự án Tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận, Phú Yên và Quảng Trị.
Được biết, tổ chức Tổ chức Health Poverty Action (HPA) là một tổ chức phi chính phủ Quốc tế có trụ sở tại Vương quốc Anh được thành lập năm 1984. Mục tiêu của Tổ chức là hỗ trợ người nghèo và người bị thiệt thòi, yếu thế về vấn đề sức khỏe. Các hỗ trợ của HPA liên quan chủ yếu đến bệnh truyền nhiễm và các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại các cộng đồng khó khăn. Trong đó có dịch COVID-19.
Đại diện tổ chức Health Powerty Action (HPA) báo cáo kết quả phân bổ test nhanh tại các đơn vị
Đối với dịch COVID-19, xét nghiệm RT-PCR được coi như tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ca bệnh bởi có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Tuy nhiên, nhược điểm là cần yêu cầu thiết bị, cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm và cán bộ lành nghề, dẫn đến chi phí thực hiện cao cũng như thời gian trả kết quả lâu. Để cải thiện những hạn chế của xét nghiệm RT-PCR, đồng thời được nhận khoản tài trợ 463.170 USD từ Tổ chức FIND – Liên minh toàn cầu về chẩn đoán bệnh, thông qua Dự án Tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19 bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại Việt Nam, Tổ chức Health Poverty Action đã phân bổ 113.000 kít test nhanh kháng nguyên cho NIMPE và các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Phước, Quảng Trị, Phú Yên, Lai Châu và một số cơ quan, trường học ở Hà Nội; tổ chức 10 lớp giảng viên nguồn cho 100 giảng viên tại 7 tỉnh; các giảng viên thực hiện 100 lớp tập huấn tại 8 tỉnh cho 988 nhân viên y tế…; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu biết về test kháng nguyên nhanh trong chẩn đoán và phòng ngừa COVID-19; sản xuất video về các hoạt động can thiệp và tác động của Dự án trong chẩn đoán và phòng ngừa dịch COVID-19; phối hợp với các chuyên gia thực hiện phát triển hệ thống báo cáo test nhanh tại các đơn vị…Với các hoạt động của Dự án được triển khai đã phần nào đáp ứng nhu cầu của các tỉnh trong việc sử dụng test nhanh kháng nguyên để khoanh vùng, sàng lọc ca nghi nhiễm trên diện rộng hoặc tại những nơi chưa triển khai được, năng lực hạn chế về thực hiện RT-PCR.
Dự án tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế tại Đắk Lắk
Riêng tại Đắk Lắk, dự án đã cấp tổng số 17.000 test nhanh kháng nguyên COVID-19, trong đó 14.000 test cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 3000 test cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đắk Lắk.
Tin, ảnh: Mỹ Hạnh – Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác