03/06/2022 02:04
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, vắc xin vẫn là “vũ khí chiến lược” và là “lá chắn” quan trọng nhất. Do đó, nhằm giúp người dân tăng hiệu quả bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2, Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo tiến độ tiêm chủng liều bổ sung, mũi 3 và mũi 4 cho người dân trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của TTYT thành phố, tính đến ngày 01/6, có 278.772 người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19, đạt 99,9%; 274.253 người tiêm mũi 2, đạt 98,3%; 114.889 người tiêm mũi bổ sung; 93.604 người tiêm mũi nhắc lại, đạt 76%; 6.967 người tiêm mũi 4, đạt 3,3%. Đối với đối tượng từ 15-17 tuổi, mũi 1 đạt 99,9%, mũi 2 đạt 98,7%. Đối tượng từ 12-14 tuổi, mũi 1 đạt 93%, mũi 2 đạt 88,9% và đối tượng từ 6 đến dưới 12 tuổi mũi 1 đạt 48,7%.
Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Đối với tình hình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố, mũi 1 và mũi 2 đối với người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ cao, độ bao phủ gần 100%. Tuy nhiên, đối với mũi bổ sung, mũi 3 và mũi 4 tỷ lệ chưa cao. Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Sở Y tế cũng đã có các văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin liều bổ sung và liều nhắc lại (mũi 3, mũi 4) cho người dân từ 18 tuổi trở lên, trong đó chú trọng các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch, đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay trong công tác triển khai tiêm vắc xin liều bổ sung, mũi 3 và mũi 4 đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, nguồn vắc xin cung ứng về tương đối lớn, gần 60.000 liều, trong khi đó hạn sử dụng của vắc xin là ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, số người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố tương đối lớn, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, 3 tháng sau khi mắc COVID-19 người dân mới tiêm vắc xin phòng COVID-19 nên dẫn đến việc tỷ lệ người dân tiêm vắc xin liều bổ sung, mũi 3 và mũi 4 giảm. Ngoài ra, thực tế có không ít người dân chủ quan, cho rằng sau khi mắc COVID-19 thì không cần tiêm vắc xin và sẽ không mắc COVID-19 lần nào nữa. Đây là quan niệm sai lầm, vì tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2, theo thời gian, kháng thể sẽ giảm dần, người dân đã mắc COVID-19 vẫn có thể mắc thêm lần 2, lần 3. Do đó, việc tiêm các liều bổ sung, liều nhắc lại là điều vô cùng cần thiết.
Người dân được khám sàng lọc trước tiêm vắc xin COVID-19
Theo bác sĩ Lý, trước các khó khăn đó, TTYT đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin trên diện rộng cho người dân trên địa bàn; Tăng thời lượng tuyên truyền về tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, nhất là về lợi ích của tiêm vắc xin trong kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, nhất là đối với các đơn vị, công ty, doanh nghiệp, các loại hình dịch vụ có tập trung đông người; Tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo hoàn thành trong quý II năm 2022. Cụ thể, TTYT đã đề nghị Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường và ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn thành phố rà soát đối tượng đã đủ thời gian tiêm nhắc lại mũi 4, lập danh sách đối tượng cần tiêm gửi về trạm y tế để có kế hoạch tiêm. Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường công tác truyền thông về chiến dịch tiêm chủng, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng, vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời.
Chia sẻ về việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3, và mũi 4, anh Lê Thừa Hiệp, trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, cho biết: Bản thân tôi đã tiêm vắc xin phòng COVId-19 mũi 1 và mũi 2 và đến nay tôi vẫn chưa mắc COVID-19. Tuy nhiên, do tính chất công việc bận rộn, mặc dù đã có thời hạn 3 tháng nên tôi quên chưa đi tiêm mũi 3. Sau đợt này, tôi sẽ sắp xếp thời gian đi tiêm để tạo thêm kháng thể cho bản thân.
Còn anh Lê Đức Hoàng, trú tại phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19. Theo anh Hoàng, vai trò của vắc xin rất quan trọng, nhờ tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mà đến nay anh vẫn chưa mắc bệnh. Do đó, khi đủ thời gian tiêm liều nhắc lại mũi 4, anh sẽ đi tiêm để giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin
Nhằm tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, ngày 31/5, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đã có công văn số 1950/SYT-KHTC yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và TTYT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý II năm 2022 và tổ chức tiêm chủng mũi 4 cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên, cho người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp… Đồng thời, khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành tiêm cho trẻ đủ điều kiện tiêm chủng trong quý II năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Rà soát đối tượng, đề xuất vắc xin đảm bảo đủ để tuêm mũi 3, mũi 4.
Theo Bộ Y tế, hiện nay đánh giá tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang chậm lại do người dân chủ quan không tiêm, trong khi dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Hiện nay, số vắc xin Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận và đi tiêm chủng các mũi tiếp theo (mũi 3, mũi 4) kịp thời, đầy đủ. Đồng thời, thay đổi về khẩu hiệu truyền thông “Tiêm vắc xin để phòng chống dịch chứ không tiêm vắc xin trên tinh thần tự nguyện nữa”.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác