23/06/2022 08:11
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Và thực tế, nhờ có vắc xin mà hiện nay, dịch COVID-19 đã được khống chế. Tuy nhiên, hiện nay có không ít người dân vẫn còn tâm lý do dự, chủ quan trước COVID-19, cho rằng dịch bệnh trở nên bình thường vì đã tiêm đủ 2 mũi hoặc đã từng mắc COVID-19 khiến cho tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 có xu hướng chậm lại. Trước tình hình đó, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực với nhiều giải pháp thực hiện để đạt cao nhất tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin.
Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch COVID-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc điều hành, chỉ đạo, giao chỉ tiêu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho từng huyện, xã tại địa phương để khẩn trương hoàn thành triển khai tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi và tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 12-17 tuổi trong quí II/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại mũi 4 cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19; cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu…
Tại Đắk Lắk, tính đến ngày 16/6, tỉnh đã nhận 3,981 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 99,8%, mũi 2 đạt 95,6%, mũi 3 đạt 32,2%, mũi 4 đạt 1,5%; Trẻ em từ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 99,9%, mũi 2 đạt 93,1% và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 đạt 21,7%. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đạt chỉ tiêu về mũi 1, mũi 2. Từ nay đến ngày 30/6, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn, các kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho 15 huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm vắc xin đạt mục tiêu mũi 3 và mũi 4. Hiện tại, vắc xin phòng COVID-19 đã được CDC phân bổ cho các huyện, đồng thời ngày 21/6, CDC cũng đã có tờ trình tham mưu cho Sở Y tế để Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tiêm đủ mũi 3 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt chỉ tiêu trên 95% và hoàn thành việc tiêm mũi 4 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của Bộ Y tế. “Để thực hiện được mục tiêu đề ra, CDC đã giao chỉ tiêu cho tuyến huyện và tuyến huyện có trách nhiệm tham mưu cho UBND các huyện để đề ra các biện pháp mạnh đối với từng cơ sở. Bên cạnh đó, CDC còn đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân hiểu và phải tham gia tiêm vì tiêm vắc xin này không phải tiêm vắc xin để phòng bệnh mà tiêm vắc xin để phòng, chống dịch COVID-19. Thực tế, hiện nay có không ít người dân mang tâm lý chủ quan bởi vì dịch đã được khống chế, mũi 2 đã hoàn thành trên 95%, ngoài ra có một bộ phận người dân chủ quan vì nghĩ rằng đã từng mắc COVID-19 do đó không cần tiêm vắc xin. Đó là tư tưởng chủ quan của người dân. Để người dân hiểu về sự cần thiết của việc tiêm vắc xin, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, còn cần sự vào cuộc của các cấp, chính quyền. Trong cuộc họp phòng, chống dịch COVID-19 với các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh cũng đã nhấn mạnh rằng nếu địa phương nào không tiêm được vắc xin phòng COVID-19, địa phương đó phải chịu trách nhiệm, cũng như việc CDC phân bổ vắc xin, địa phương nào không nhận vắc xin để triển khai thì địa phương đó phải cam kết với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện và tỉnh nếu để xảy ra dịch COVID-19 tại địa phương thì phải tự chịu trách nhiệm về vấn đề này”, bác sĩ Hải Phúc nhấn mạnh.
Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó giám đốc phụ trách CDC tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19
Vắc xin COVID-19 đã và đang làm giảm dần số ca nhiễm vi rút cũng như số lượng bệnh nhân chuyển nặng, giảm số lượng người phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Dù càng ngày càng có thêm nhiều biến thể hoành hành nhưng vắc xin COVID-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh. Ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19, khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc triển khai tiêm mũi 4 cho các đối tượng ưu tiên, nhiều người dân đã hưởng ứng và đi tiêm đúng lịch. Bà Võ Thị Tứ (SN 1951, trú tại thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: Là đối tượng ưu tiên vì đã lớn tuổi, nay tôi được tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19. Sau khi tiêm các mũi vắc xin trước, tôi thấy sức khỏe của mình hoàn toàn bình thường, nhờ tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mà đến nay tôi vẫn chưa mắc COVID-19. Được nhà nước, chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho người dân tiêm vắc xin là điều may mắn, do đó, tôi động viên chồng và hàng xóm đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và toàn xã hội, giúp đẩy lùi dịch bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, hiện nay huyện Cư Kuin đang triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt thứ 23 theo kế hoạch phân bổ vắc xin của tỉnh. Trong 22 đợt tiêm trước, tỷ lệ người dân tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 của huyện đều đạt chỉ tiêu đề ra, mũi 4 hiện đang triển khai tiêm cho người dân. Tất cả các đối tượng đủ điều kiện tiêm vắc xin đều cho kết quả an toàn, không ghi nhận trường hợp nào gặp phản ứng nặng sau tiêm. “Quá trình triển khai tiêm vắc xin gặp không ít khó khăn vì tình hình dịch bệnh đã được khống chế, một số người dân chủ quan, nhất là tại một số buôn người dân tộc thiểu số nhiều người còn chưa hợp tác, do đó, công tác tiêm vắc xin khó khăn hơn. Trước tình hình đó, TTYT đã báo cáo, tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch chỉ đạo chính quyền các xã, đồng thời đến tận các thôn, buôn để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vắc xin để phòng, chống dịch bệnh”, bác sĩ Dũng nói.
Người dân huyện Cư Kuin đến điểm tiêm để tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4
Có thể thấy, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, vai trò của vắc xin rất quan trọng. Và theo thời gian, kháng thể do vắc xin tạo ra để phòng được bệnh sẽ giảm dần, do đó, việc tiêm nhắc lại các mũi 3 và mũi 4 là việc làm hết sức cần thiết. Vì thế, người dân nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và tiêm nhắc lại các liều vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Bài: Mai Lê; ảnh: Quang Nhật
Facebook
Tweet
Mail
Google-plus
Các tin khác